Lợi nhuận đột biến, ngân hàng có "om" cổ tức?

ANTD.VN - Sau một năm kinh doanh khả quan, nhiều cổ đông thấp thỏm mong chờ các thông tin về việc chia cổ tức. Liệu tình trạng chia cổ tức “bằng giấy’ năm nay có tái diễn?

Sau một năm kinh doanh khả quan, nhiều cổ đông thấp thỏm mong chờ các thông tin về việc chia cổ tức. Liệu tình trạng chia cổ tức "bằng giấy" năm nay có tái diễn.

“Dài cổ” chờ cổ tức

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) vừa mở đầu mùa đại hội đồng cổ đông của ngành hôm đầu tháng 3 vừa qua trong tâm thế khá phấn khởi. Kết thúc năm 2017, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.000 tỷ đồng, là năm thứ 2 liên tiếp có mức tăng gấp đôi so với năm liền trước. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 23,84%; lợi nhuận trên tổng tài sản đạt hơn 2,09%.

Tuy nhiên, sau 7 năm liền không trả cổ tức bằng tiền mặt thì năm nay, Techcombank lại tiếp tục “thử thách” sự kiên nhẫn của cổ đông. Và những chất vấn của nhiều cổ đông vẫn phải lặp lại, rằng họ sẽ phải chờ đến bao giờ khi mà rất nhiều trong số họ đều đã lớn tuổi.

Dù vậy, lần thứ tám, đại hội đồng cổ đông vẫn tiếp tục thông qua việc không trả cổ tức bằng tiền mặt, với giải thích “cơm chưa ăn, gạo còn đó”. Việc không chia cổ tức là để dành nguồn lực cho việc tăng quy mô vốn, phục vụ cho chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng kinh doanh và cải thiện các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính.

Dù khá mệt mỏi chờ đợi nhưng các cổ đông của Techombank cũng được an ủi, vì dù sao sự dồn tích nguồn lực 8 năm qua cũng là một điểm hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng này khi dự kiến trong năm nay, ngân hàng sẽ đưa cổ phiếu lên sàn. Trong năm 2018, chỉ tiêu lợi nhuận của Techcombank lên tới 10.000 tỷ đồng.

Tương tự, nhiều cổ đông của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đang “thấp thỏm” trước kỳ đại hội cổ đông. Trước đó, với lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.000 tỷ đồng, nhiều cổ đông kỳ vọng lần đầu tiên sau 4 năm qua, họ có thể trở lại nhận cổ tức. Tuy nhiên, sự cố liên quan đến 245 tỷ đồng của khách hàng bị mất tại ngân hàng này đã khiến hy vọng này trở nên mong manh hơn bao giờ.

"Điệp khúc" chia cổ tức bằng cổ phiếu tại các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây đã khiến các cổ đông ngán ngẩm. Theo các chuyên gia, hiện đa phần các ngân hàng đều đứng trước áp lực tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, do đó, cách dễ nhất là phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn.

Gam màu sáng lan tỏa

Ở chiều ngược lại, một vài ngân hàng đã có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Trong tài liệu đại hội cổ đông mới công bố, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có kế hoạch chia cổ tức “khủng” cho cổ đông.

Theo đó, cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (tương ứng 146 tỷ đồng). Tổng số lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển sau khi trả cổ tức ưu đãi và trích các quỹ cần thiết sẽ dùng để chia cho cổ đông phổ thông của ngân hàng.

Cổ đông nhiều ngân hàng đã phải "nhịn" cổ tức nhiều năm trở lại đây

Ngoài ra, các cổ đông còn được nhận cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Ngân hàng này còn phát hành cổ phiếu phổ thông để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, nâng tổng tỷ lệ chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng lên 31,25%.

Tương tự, dù chưa có thông tin chính thức nhưng cổ đông Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng có nhiều khả năng tiếp tục chi trả cổ tức cao, dự kiến có thể lên tới 30%.

Tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), với mức tăng trưởng lợi nhuận vượt xa chỉ tiêu trong năm 2017, ngân hàng này đã công bố nâng tỷ lệ trả cổ tức năm nay dự kiến lên 15%.

Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước đang chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối, việc chi trả cổ tức năm nay vẫn đang để ngỏ. Vì Nhà nước còn chi phối tỷ lệ sở hữu lớn, cổ tức liên quan đến ngân sách, nên việc chi trả bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu của các ngân hàng này rất khó tự quyết. Năm 2017, cả Vietcombank, VietinBank, BIDV… đều đã quyết định chi cổ tức tiền mặt sau yêu cầu từ Bộ Tài chính, dù rằng 2 trong số này mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên mức chi trả cũng khá “khiêm tốn”.

Các chuyên gia cho rằng, mặt bằng chung năm nay việc chi trả cổ tức cho các cổ đông của ngân hàng sẽ được cải thiệt. TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Đào tạo doanh nhân BizLight cho rằng, năm 2018, lợi nhuận ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, do đó mức chi trả cổ tức cho nhà đầu tư, cổ đông cũng sẽ cao hơn.

Cụ thể, theo chuyên gia này, trong năm 2018, có nhiều yếu tố thuận lợi cho các ngân hàng như tăng trưởng tín dụng khả quan, nợ xấu giảm, nguồn thu từ dịch vụ tăng, các ngân hàng đẩy mạnh tiết giảm chi phí, cùng với đó là tiến trình thoái vốn.

Cũng theo các chuyên gia, cùng với mức chi trả cổ tức hấp dẫn thì trong năm 2018, các ngân hàng cũng có nhiều cơ hội tăng vốn trên sàn chứng khoán. Theo đó, thị trường chứng khoán bùng nổ đang tạo thuận lợi cho các ngân hàng thoái vốn và thúc đẩy các ngân hàng niêm yết trên sàn chính thức. Cổ phiếu ngân hàng đang thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tiếp tục bỏ vốn vào.