Lỗi là tại đào tạo

ANTĐ - Con số thống kê do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) vừa công bố trên Bản tin thị trường lao động cho thấy, tỷ lệ người lao động có bằng đại học, cao đẳng thất nghiệp luôn cao hơn các thành phần khác. Điều này chứng tỏ sự vô lý về cung cầu trên thị trường lao động. Tính đến hết quý IV-2013, có tới 158.000 lao động trình độ cao đẳng trở lên thất nghiệp. Thứ trưởng Bộ này nhận định, một bộ phận trí thức thất nghiệp hoặc làm công việc có thu nhập thấp vì nước ta đã quá thừa lao động trình độ đại học, cao đẳng kém chất lượng, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Bản tin này còn cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ cao đẳng là 6,74%, tăng 1,3 lần so với quý IV-2012; tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần, tức là có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm này thất nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi vừa tốt nghiệp chiếm tỷ lệ thất nghiệp rất cao lên tới 20,75%. Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội cho rằng, chất lượng đầu ra của hệ thống giáo dục, đào tạo liên quan tới nội dung chương trình giảng dạy, chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.

Chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp, công ty cần tuyển 100 lao động kỹ thuật mà đỏ mắt tìm không ra, trong khi trường nghề, trung cấp, kể cả cao đẳng đều kêu khó tuyển sinh vì học sinh đua nhau vào đại học. Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận giữa đào tạo với sử dụng lao động có độ vênh lớn. Học trung cấp mất 2 năm, đại học 4 năm, vậy phải tính toán để biết trong hai năm hay bốn năm tới nền kinh tế cần những đối tượng lao động nào, học vấn ra sao, số lượng bao nhiêu? Theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2015, cần khoảng 3,5 triệu lao động trình độ đại học trở lên, nhưng thực tế cuối năm 2013 đã có hơn 3,7 triệu lao động có trình độ này.  

Nhìn vào con số trên đủ thấy đào tạo hệ cao đẳng - đại học sẽ tiếp tục dư thừa trên thị trường lao động và thất nghiệp là chuyện đương nhiên. Ở Singapore, vai trò hướng nghiệp cực kỳ quan trọng, nhiều trường công lập lớn có tới hơn 80% sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng. Ở nước ta, dù có chính sách cho sinh viên vay vốn để học tập, nhưng thiếu hoàn toàn thông tin về thị trường lao động thì làm sao hướng nghiệp được. Ở các nước có hệ thống quan sát thị trường lao động, điều tra cụ thể 5 năm tới cần những loại lao động nào, đào tạo ra sao, từ đó điều tiết đầu vào hợp lý.

Nếu nhìn vào tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp cao mà nói thừa lao động học vấn cao thì chưa hẳn. Vấn đề là chất lượng đào tạo và chất lượng lao động thấp. Rõ ràng, học cao mà ra trường vẫn thất nghiệp dài thì lỗi là tại đào tạo.