Lời khuyên của Wenger

ANTĐ - Ngày đầu đặt chân tới Việt Nam, trước câu hỏi của phóng viên: “Làm gì để bóng đá Việt Nam vượt vùng trũng Đông Nam Á để vươn tầm thế giới?”, HLV Wenger ngắn gọn: “Hãy học người Nhật Bản!”.

Theo phân tích của chiến lược gia có biệt danh Giáo sư, 20 năm trước, Nhật Bản cũng ở xuất phát điểm như Việt Nam bây giờ nhưng nhờ chú trọng phát triển mô hình đào tạo trẻ mà có được vị thế như ngày nay. Tấm gương nước láng giềng ngay đó, sao phải đi học hỏi đâu xa!

Thực ra lời khuyên của HLV Wenger không mới, thậm chí đã xuất hiện trong bản chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Thế nhưng sự khác biệt nằm ở chỗ, Nhật Bản nói là làm và làm nghiêm túc, còn ở ta thì giới quản lý bóng đá nói rồi… để đó. Mô hình đào tạo trẻ duy nhất tạm coi là chuyên nghiệp là Học viện HAGL -  Arsenal JMG. Nhưng nó ra đời từ quyết tâm và tiền của “bầu” Đức, chứ không phải VFF.

Không phải sự phát triển bóng đá Việt Nam hay cung cách đón tiếp trọng thị của Ban tổ chức, điều khiến Arsenal ấn tượng nhất trong chuyến du đấu lại là các CĐV. Arsenal thậm chí đã làm hẳn một clip quảng bá ra toàn thế giới hình ảnh CĐV Vũ Xuân Tiến chạy 5km bám theo xe để xin chữ ký. Pháo thủ gọi CĐV này là “Running man”, “Người hùng tour du đấu châu Á 2013”.

Nói về “Running man” Việt Nam, HLV Wenger tỏ ý khâm phục trước ý chí phi thường, không từ bỏ nhiệm vụ trước khó khăn và nhận ra: “Đó là bài học hữu ích cho bản thân tôi cũng như các cầu thủ Arsenal”. Theo “giáo sư”, đó cũng là bài học hữu ích với mọi đội bóng, mọi nền bóng đá, nếu muốn lớn mạnh.

Từ “Running man” - hình ảnh tưởng chừng như rất bình thường trong mỗi tour du đấu, HLV Wenger - nhà cầm quân được cả thế giới thán phục tài năng, đã khái quát hóa thành bài học bổ ích cho Arsenal để chinh phục những cột mốc tham vọng. Vậy còn với những nhà quản lý bóng đá Việt Nam, bài học “không từ bỏ nhiệm vụ trước khó khăn” liệu có được tiếp thu?