70 năm thảm họa bom nguyên tử:

Lời kể hãi hùng khi bom rơi, cả thành phố đầy xác sống và mùi thịt cháy

ANTĐ - Gần đến dịp kỷ niệm 70 năm ngày xảy ra vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới (6-8-1945/6-8-2015), hàng chục nghìn hibakusha - người Nhật Bản sống sót sau vụ nổ - lại nhớ về những ký ức khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân tại nước này.

Lời kể hãi hùng khi bom rơi, cả thành phố đầy xác sống và mùi thịt cháy  ảnh 1Ông Sunao Tsuboi chỉ vào bức ảnh được chụp sau 3 tiếng quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima

“Tưởng mình đang ở địa ngục”

Những vết sẹo trên người ông Sunao Tsuboi là dấu tích không phai mờ về ngày xảy ra vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Chỉ vào một bức ảnh đen trắng, ông Tsuboi nói người thanh niên trong ảnh chính là ông hồi 20 tuổi. Địa điểm chụp bức ảnh là cây cầu Miyuki (cách khu vực hứng chịu quả bom và bị phá hủy hoàn toàn khoảng 3,5km) ở thành phố Hiroshima, 3 giờ sau khi Enola Gay - máy bay ném bom B-29 của Mỹ thả quả bom hạt nhân 15 kiloton xuống đây. Ba ngày sau, 9-8-1945, quả bom nguyên tử thứ hai phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki, khiến 74.000 người thiệt mạng. Số người tử vong tại Hiroshima là 140.000 người. 

Người nào còn sống sót sau vụ nổ hạt nhân đầu tiên hiện giờ cũng đã khoảng 80 tuổi. Mỗi người có một ký ức riêng về buổi sáng kinh hoàng 6-8-1945 cùng những năm tháng khắc phục hậu quả thảm khốc. Ông Tsuboi nhớ rằng, ông đã nghe thấy một tiếng nổ lớn, rồi ông bị hất văng đi khoảng 10m. Lúc tỉnh lại, ông cảm thấy đau rát vì bị bỏng, quần áo rách toác. “Cảnh tượng hoảng loạn lúc đó khiến tôi tưởng mình đang ở địa ngục... Khói mù mịt khắp nơi, mọi người nhìn như những xác sống, người đầy máu và gắng gượng ngồi dậy, một số người bị mất tay chân. Xác người ngổn ngang và mùi thịt cháy khét lẹt sực lên”. 

Kể từ ngày này, ông Tsuboi đã phải nhập viện 11 lần, trong đó 3 lần bác sĩ nhận định ông không thể qua khỏi. Dù đang chiến đấu với 2 bệnh ung thư, ông Tsuboi vẫn đảm nhận chức Chủ tịch Nihon Hidankyo - tổ chức của những nạn nhân chịu ảnh hưởng từ bom hạt nhân và bom nhiệt hạch. Ông hiện cùng nhiều hibakusha kêu gọi thế giới nói không với vũ khí hạt nhân.

Lời kể hãi hùng khi bom rơi, cả thành phố đầy xác sống và mùi thịt cháy  ảnh 2Bà Yukiko Nakabushi 

Bỏng toàn thân vẫn cố chạy về nhà

Cũng là một người sống sót sau ngày 6-8-1945, bà Yukiko Nakabushi nay đã 75 tuổi nhưng hồi niệm kinh hoàng về vụ đánh bom thảm sát vẫn còn nguyên vẹn. Một buổi sáng mùa hè, cô bé 5 tuổi Nakabushi là người đầu tiên đến trường mẫu giáo và ngồi đợi các bạn.

Song hôm đó, những người bạn đã không thể đến được lớp học nữa. Khoảng 8h sáng, Nakabushi nhìn thấy ánh sáng lóe lên kèm theo tiếng nổ lớn. Chỉ cách trung tâm vụ nổ 1,5km, nhưng bà Nakabushi may mắn thoát khỏi lớp bức xạ nguyên tử khi ngồi trong lớp học. Sau đó, Nakabushi đã kịp chạy thoát trước khi ngôi trường đổ sập. 

Quả bom nguyên tử phát nổ cách nơi mẹ bà Nakabushi làm việc chỉ 800m. “Bố kể với tôi rằng, dù bị bỏng toàn thân nhưng mẹ vẫn cố chạy về nhà, khi thấy tôi an toàn, bà mới ngã xuống và bất tỉnh” - những ký ức đau buồn ùa về khiến bà Nakabushi xúc động. Trên đường cùng gia đình về vùng ngoại ô, bà Nakabushi thấy những căn nhà đổ nát và nhiều người bị bỏng khó nhọc đi lại trên đường như những bóng ma. Mẹ của bà mất sau vụ nổ 2 ngày, 8-8-1945. Sau ngày kinh hoàng đó, bà Nakabushi sống yên bình bên cha và mẹ kế. Khi trưởng thành, bà kết hôn và có 3 người con lành lặn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế. Những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử bị xa lánh. Một số phụ nữ không thể kết hôn bởi nhiều gia đình sợ họ sẽ sinh ra những đứa trẻ khuyết tật, trong khi các chủ lao động  phân biệt đối xử với hibakusha. 

Hiện bà Nakabushi là thành viên tích cực của Tổ chức dành cho người trải qua nỗi đau bom nguyên tử Tokyo.

“Vũ khí nguyên tử là tội ác. Chiến tranh cướp đi sinh mạng vô tội của cả hai phía. Hòa bình là điều hạnh phúc và quý giá nhất đối với nhân loại” - bà Nakabushi thường nói như vậy trong mỗi lần chia sẻ trải nghiệm của mình cho các học sinh, sinh viên trên khắp Nhật Bản.

Lời kể hãi hùng khi bom rơi, cả thành phố đầy xác sống và mùi thịt cháy  ảnh 3Quân đội Mỹ chụp lại hình đám khói bốc lên sau khi bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) ngày 6-8-1945

Gần 70% người Nhật không nhớ ngày đất nước bị ném bom nguyên tử

Lời kể hãi hùng khi bom rơi, cả thành phố đầy xác sống và mùi thịt cháy  ảnh 4Buổi lễ tưởng niệm lần thứ 68 vụ đánh bom nguyên tử Nagasaki tại Công viên Hòa Bình 

70 năm sau khi xảy ra vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, một cuộc điều tra của Đài truyền hình NHK cho thấy, gần 70% người Nhật không nhớ chính xác ngày bị ném bom vào năm 1945. 

Cuộc điều tra qua điện thoại được thực hiện hồi cuối tháng 6 vừa qua, với đối tượng từ 20 tuổi trở lên, được lựa chọn ngẫu nhiên từ những số điện thoại ở Hiroshima, Nagasaki và những nơi khác trên toàn quốc. Kết quả cho thấy, 69% số người ở Hiroshima và 50% số người ở Nagasaki trả lời chính xác ngày bom nguyên tử ném xuống Hiroshima là vào ngày 6-8-1945.

Trong khi đó, trên toàn Nhật Bản, trung bình 30% người trả lời đúng. Khi được hỏi về vụ ném bom nguyên tử ở thành phố Nagasaki, 54% người dân ở Hiroshima và 59% người ở Nagasaki và 24% trên toàn quốc trả lời đúng ngày quả bom nguyên tử ném xuống thành phố này là ngày 9-8-1945.

Mai Phương (Theo NHK)

Bức ảnh xúc động: Anh trai đưa em tới nơi hỏa táng

Joe O’Donnell được quân đội Mỹ cử tới Nhật Bản để ghi lại sự tàn phá của 2 quả bom nguyên tử thả xuống đây. Trong 7 tháng kể từ tháng 9-1945, ông đi khắp miền Tây Nhật Bản chụp lại hậu quả vụ nổ. Một trong những bức ảnh nổi tiếng mà ông chụp được trong thời gian này là tấm ảnh anh trai đưa em nhỏ tới khu hỏa táng.

“Tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi cõng em trai đi bộ... Khuôn mặt cậu nghiêm nghị, còn em trai thì nghiêng đầu về một bên như đang ngủ gật. Cậu bé đứng lặng khoảng 5, 10 phút” – O’Donnell nói về bức ảnh. Sau đó, những người đàn ông đeo mặt nạ trắng lặng lẽ cởi sợi dây đỡ đứa bé ở phía sau lưng người anh trai. Lúc này ông O’Donnell mới nhận ra cậu bé đã chết. Người anh trai đứng lặng, nhìn chằm chằm vào ngọn lửa, cắn môi chặt tới mức rớm máu. Khi ngọn lửa lụi tắt, cậu mới lặng lẽ ra về.

Những bức ảnh về đau thương mà con người phải hứng chịu sau vụ nổ hạt nhân đã ám ảnh tác giả nhiều năm sau đó.

Khánh Chi (Theo Rarehistoricalphotos)