Lợi ích và cả tác hại của rau mầm

ANTD.VN - Có giá trị dinh dưỡng nhiều gấp 3-5 lần rau trưởng thành, rau mầm đang là sự lựa chọn cho bữa cơm của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu không dùng đúng cách, bạn có thể gặp nhiều rắc rối với loại rau này.

Rau mầm có thể gây tử vong 

Khi các mối lo về rau bẩn, rau ngâm hóa chất ngày càng nhiều thì rau mầm đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho bữa cơm gia đình. Chị Nguyễn Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Rau mầm đắt nhưng an toàn hơn. Ngoài ra, theo thông tin tôi được biết thì rau mầm nhiều dinh dưỡng gấp 3-5 lần rau trưởng thành. Chỉ với những lý do như vậy nên tôi thường sử dụng trong thực đơn của gia đình”. 

Đúng vậy, so với rau trưởng thành rau mầm thực sự có nguồn dinh dưỡng dồi dào hơn. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, 200g rau mầm có giá trị dinh dưỡng tương đương 1kg rau trưởng thành. Nguyên nhân là bởi thời điểm thu hoạch rau (sau 5-7 ngày) là thời kỳ các dưỡng chất đậm đặc nhất trong vòng đời của cây. Đặc biệt, các dưỡng chất này (vitamin, khoáng chất, chất xơ…) còn ở dạng dễ hấp thu nên cơ thể chúng ta có thể tiêu hóa, hấp thụ một cách dễ dàng.

“Khi sử dụng rau mầm, dù là rau nhà trồng, chúng ta không nên ăn sống mà nên luộc chín để loại bỏ vi khuẩn”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm

Tuy nhiên, sự an toàn của rau mầm thực sự vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Thực tế, báo cáo năm 2016 của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phân tích, trong vòng 20 năm từ 1996 đến 2016, tính riêng ở quốc gia này đã có khoảng 2.500 người bị ngộ độc với 186 ca nhập viện và 3 ca tử vong vì rau mầm. So với các vụ ngộ độc, cấp cứu do rau trưởng thành, con số này khiêm tốn hơn, song nó cũng cho thấy một điều rằng rau mầm không thực sự an toàn như nhiều người vẫn tin tưởng.

Ăn sống = ăn họa?

Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao rau mầm có thể gây ngộ độc? Phải chăng nó cũng được sử dụng thuốc kích thích giống như rau trưởng thành? Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Rau mầm về bản chất cũng được trồng từ hạt giống giống như rau trưởng thành, chỉ có điều, thời gian thu hoạch của nó ngắn hơn, chỉ từ 5-7 ngày. Với thời gian thu hoạch gấp như vậy thì đa phần người ta không sử dụng thuốc kích thích bởi nó sẽ khiến hình thức rau bị xấu (nhìn mềm và không tươi ngon) nên rất khó bán”. 

Vậy liệu có phải nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rau mầm là do các chất bảo quản để chống sâu, mọt cho hạt giống? Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, điều này cũng hiếm xảy ra, bởi lẽ, khi gieo hạt, cộng với việc tưới nước cho rau hàng ngày, các hóa chất này sẽ bị thải loại.

Theo đó, nguyên nhân thực sự khiến rau mầm gây bệnh là do nó được tưới bằng nguồn nước không sạch nên dễ dẫn tới nhiễm khuẩn E.coli. Tình trạng này đôi khi xảy ra ở chính những gia đình trồng rau do thói quen tiết kiệm nước nên tái sử dụng lại nguồn nước đã nhiễm bẩn. Khuẩn E.coli một khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tiêu chảy cấp tính. Nếu không biết cách bù nước dễ dẫn đến kiệt sức ở người bệnh.

Ngoài ra, nếu giá thể trồng rau (cát, xơ dừa, nước…) không được làm sạch thường xuyên sẽ bị nhiễm nấm, mốc. Việc bảo quản rau mầm không đúng cách (không giữ lạnh, để ở nơi ẩm thấp…) cũng sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng cũng như khiến rau bị nhiểm vi khuẩn từ môi trường xung quanh. Và khi chúng ta ăn phải, đặc biệt là ăn sống, đương nhiên tình trạng ngộ độc sẽ xảy ra.

Cũng vì lý do trên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trong trường hợp muốn trộn salad, cần rửa rau thật kỹ dưới vòi nước chảy. Nước rửa cuối cùng nên là nước đã đun sôi để nguội. Ngoài ra, với những người không có thời gian trồng trọt, cần mua rau của những cơ sở có uy tín. Riêng với người trồng tại nhà thì cần làm sạch, phơi nắng và thay giá thể thường xuyên để nấm mốc không phát triển được.