Lợi ích từ mầm ngũ cốc

ANTĐ - Mầm hạt từ ngũ cốc cũng như các loại hạt này, có rất nhiều lợi ích không chỉ đơn giản là thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày mà nó còn có nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa và điều trị một số bệnh nguy hiểm.

Lúa mì: Hạt lúa mì thường dùng để làm ra những chiếc bánh mì thơm ngon. Trong mầm của loại hạt này có chứa một lượng tinh dầu rất có giá trị, mỗi 1/2 chén dầu mầm lúa mì có chứa 200mg vitamin E. Với nguồn vitamin E cao như vậy, dầu mầm lúa mì thường được dùng trong các món salad và đặc biệt nó được dùng trong ngành sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Ngoài ra, mầm lúa mì còn có trữ lượng axit béo không bão hòa cũng rất cao, vitamin A, D, protein và nhiều chất chống oxy hóa rất hữu ích trong việc chăm sóc da.

Kiều mạch: Các nhà khoa học Anh cho rằng, món ăn tốt nhất cho bữa sáng là cháo kiều mạch, nếu ăn thường xuyên có thể hạ huyết áp, hạ mỡ máu và giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, trong kiều mạch còn chứa nhiều cenlulose giúp tránh nguy cơ viêm dạ dày, viêm ruột và ung thư đại tràng. Mầm kiều mạch có chứa hàm lượng cao magie, phốt pho, sắt và các loại vitamin nhóm B giúp ngăn ngừa các bệnh xơ cứng và ảnh hưởng đến các mạch máu. Nó rất hữu ích đối với bệnh nhân mạch vành, tiểu đường, cao huyết áp, phục hồi sau phẫu thuật hoặc sau khi sinh.

Hạt bí ngô: Trong thành phần của mầm hạt bí ngô có hàm lượng kẽm cao. Nó được khuyến khích dùng đối với nam giới vô sinh, cải thiện tình trạng giảm ham muốn ở nam giới và rối loạn chức năng buồng trứng ở phụ nữ. Ngoài ra, vitamin K trong bí ngô giúp chống lại chứng bệnh máu khó đông và củng cố xương thêm khỏe mạnh.

Hạt hướng dương: Mầm hạt hướng dương có chứa selen giúp ngăn ngừa các phản ứng hóa học trong cơ thể tạo ra các gốc tự do có thể dẫn đến ung thư, ức chế việc phát triển của các khối u, đồng thời làm chậm lại quá trình phát triển của những người mắc bệnh ung thư. Selen kết hợp với vitamin A và E có thể làm giảm các tác dụng phụ trong quá trình hóa trị của bệnh nhân ung thư.

Đậu tương: Mầm đậu tương (đậu nành) có chứa nhiều vitamin E và các isoflavon, chính là các nội tiết tố nữ estrogen thực vật. Khi hạt đậu nành nảy mầm là thời gian hàm lượng estrogen thực vật cao nhất. Việc sử dụng mầm đậu nành là cách bổ sung estrogen tự nhiên giống như estrogen mà người phụ nữ tạo ra và giúp cân bằng nhanh hàm lượng estrogen thiếu hụt trong cơ thể. Ngoài ra, dầu đậu nành còn làm giảm nguy cơ tim mạch và loãng xương ở phụ nữ tiền mãn kinh.

Đậu xanh: Mầm đậu xanh chính là giá đỗ mà chúng ta vẫn thường ăn. Hàng ngày, nếu ăn nhiều giá đỗ sẽ rất tốt cho sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ sảy thai ở phụ nữ, bên cạnh đó là hàm lượng vitamin E cao rất hữu ích cho người yếu sinh lý và thai phụ khó đẻ. Ngoài ra, giá đỗ có tác dụng giảm cholesterol và triglyceride để phòng chống bệnh tim mạch, nó có chứa riboflavin nên rất tốt với người nhiệt miệng và chống táo bón, ngăn ngừa ung thư thực quản, ung thư ruột, trực tràng và dạ dày…