Lợi ích nào giúp quan hệ Nga - Anh "tan băng"?

ANTD.VN - Lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ đầu độc điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal hồi tháng 3-2018 khiến quan hệ song phương đóng băng, Nga và Anh đã tiến hành cuộc gặp ở cấp cao để tháo gỡ bất đồng.

Lợi ích nào giúp quan hệ Nga - Anh "tan băng"? ảnh 1Đại sứ quán Liên bang Nga tại London

Thông cáo của Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Anh phụ trách châu Âu Alan Duncan đã có cuộc gặp với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Titov bên lề Hội nghị an ninh Munich (Đức). Tại cuộc gặp, ông Duncan khẳng định phía Anh không có định kiến với Nga và London sẽ tiếp tục xây dựng cũng như củng cố giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân với Nga.

Đã vài thập kỷ nay, quan hệ Nga - Anh luôn trong trạng thái căng thẳng. Kể từ khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Alexander Litvinenko tại Anh năm 2006 mà London cho rằng có bàn tay của Matxcơva và việc Boris Berezovsky - một tỷ phú Nga lưu vong ở Anh tuyên bố sẽ lật đổ Tổng thống Nga Vladimir Putin, Matxcơva và London luôn nhìn nhau bằng con mắt ác cảm.

Tình trạng trên xấu thêm khi năm 2014 Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea  vào lãnh thổ nước này. Cùng với Mỹ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Anh tiến hành trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt với Nga. Đến khi cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (đang sống lưu vong ở Anh) và con gái bị đầu độc ở Anh hồi tháng ba năm ngoái, thì quan hệ Nga-Anh hoàn toàn đổ vỡ.

Thế nhưng, lợi ích trong quan hệ với Nga cùng những khó khăn mà Anh đang phải đối mặt khi chuẩn bị rời khỏi EU khiến London phải tính toán thiệt hơn. Bất chấp tình hình chính trị căng thẳng, quan hệ kinh tế Nga - Anh vẫn chứa nhiều tiềm năng. Thực tế cho thấy dù hai bên trong tình trạng cấm vận nhưng năm 2017, kim ngạch thương mại Nga - Anh vẫn đạt trung bình 14 tỷ USD/năm.

Anh hiện là nhà cung cấp lớn các sản phẩm như xe hơi, máy móc và hóa phẩm cho Nga. Các lĩnh vực tài chính, công nghệ và tư vấn của Anh cũng thu về hàng tỷ USD mỗi năm từ các đối tác Nga. Trong vài thập niên gần đây, Anh còn đóng vai trò như thỏi nam châm hút giới nhà giàu Nga và các doanh nghiệp của họ. Một số lượng lớn người Nga đang sở hữu các bất động sản ở London và gửi tiền ở Anh.

Ngược lại, Nga đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho Anh, kể cả dầu mỏ, khí đốt và than đá. Theo tờ Financial Times, một nửa số chuyến khí đốt tự nhiên hóa lỏng vận chuyển đến Anh trong năm 2018 là từ Nga. Đại gia dầu mỏ Anh (BP) cũng có các mối làm ăn lớn với Nga khi sở hữu tới 20% cổ phần trong công ty năng lượng khổng lồ của Nga là Rosneft.

London cũng nóng lòng không kém khi nhìn sang người láng giềng châu Âu là Đức. Cùng áp dụng cấm vận Nga như Anh nhưng các doanh nghiệp Đức rất khôn khéo tìm cách “lách rào” để duy trì trao đổi thương mại Nga- Đức đạt 39 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018. Năm nay, khi đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 được thông dòng, kim ngạch thương mại Nga-Đức có thể đạt tới mức kỷ lục 100 tỷ USD.

Khác biệt vẫn tồn tại nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đóng kín mọi mối quan hệ. Tiếp sau quyết định khôi phục số lượng đại diện ngoại giao tại hai thủ đô kể từ tháng 1-2019, việc các quan chức cao cấp Nga và Anh nối lại các cuộc tiếp xúc cho thấy “băng” đang tan dần trong quan hệ Nga-Anh.