Lợi - hại khi công bố dịch

ANTĐ - Sau rất nhiều lo ngại của dư luận về diễn biến dịch tay chân miệng (TCM) thời gian qua, cuối cùng đã có địa phương đầu tiên công bố dịch.

Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng cần được theo dõi thường xuyên, tránh biến chứng nguy hiểm.

Bộ Y tế cho biết, nếu có 2 tỉnh/thành phố công bố dịch trở lên thì bộ sẽ công bố dịch trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Y tế không tạo áp lực

Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Ninh Thuận công bố dịch bởi tỉnh này biết khả năng khống chế là khó. Bộ trưởng nói: “Ninh Thuận khó khăn về nguồn nhân lực, cơ sở, số lượng bệnh nhân tăng so với cùng kỳ năm trước và quy mô, tính chất dịch đã vượt quá dự kiến nên tỉnh phải công bố dịch. Công bố dịch là quyền của tỉnh và Bộ Y tế ủng hộ điều đó”. Bộ trưởng cũng khẳng định, việc công bố dịch là theo quy định của luật. Khi có 2 tỉnh trở lên công bố dịch, Bộ Y tế sẽ tiến hành công bố dịch trên phạm vi cả nước theo quy định của Luật Kiểm soát bệnh truyền nhiễm. “Giao ban với các tỉnh về phòng chống dịch, Bộ đã nói rõ địa phương nào cảm thấy dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát thì phải công bố dịch, trên cơ sở quy định của luật. Việc công bố dịch nhằm huy động tổng lực sức mạnh của địa phương để phòng chống dịch. Đó là quyền của địa phương, Bộ  Y tế không tạo áp lực” - Bộ trưởng nói.
Căn cứ theo số liệu báo cáo của ngành y tế, chỉ trong vòng 2 tuần qua, số mắc TCM mới lên đến gần 7.000 ca, nghĩa là cao hơn cả thời gian đỉnh dịch cách đây 1 tháng (với khoảng trên dưới 3.000 ca mắc/tuần). Tổng số mắc trong cả nước đã lên tới 84.812 trường hợp, số tử vong là 142 trẻ tại 28 tỉnh, thành phố. 2 tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế trấn an rằng dịch vẫn trong tầm kiểm soát và khi nào không kiểm soát được nữa sẽ công bố. Còn giờ, với việc công bố dịch, tỉnh Ninh Thuận đã chính thức thừa nhận dịch TCM vượt quá tầm kiểm soát. Điều ngạc nhiên là khi nhìn vào bản đồ dịch tễ của dịch TCM thời điểm này, số ca mắc và tử vong ở tỉnh Ninh Thuận chẳng thấm vào đâu so với những địa phương đã và vẫn đang là “điểm nóng” của dịch như Quảng Ngãi, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Bản thân một số cán bộ trong ngành y tế cho rằng, căn cứ theo quy định thì hiện có đến vài tỉnh/thành phố đã đủ điều kiện công bố dịch TCM. Cũng cần phải đặt câu hỏi: Việc công bố dịch được lợi gì và thiệt hại gì? Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nếu công bố dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội, gây biến động công tác của nhiều ngành, chi phí cho chống dịch tốn kém hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì công bố dịch sẽ giúp cả người dân lẫn cơ quan chức năng chủ động đối phó, không chủ quan, lơ là trước dịch. Ngành y tế địa phương cũng sẽ được tăng cường nguồn lực, hỗ trợ trang thiết bị và đặc biệt là bổ sung ngân sách cho công tác này. Không ít ý kiến cho rằng, một khi đã có tỉnh mở đường, rất có thể trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều tỉnh khác công bố dịch. Vẫn biết dù chưa công bố nhưng công tác phòng, chống dịch đã được tăng cường, thế nhưng khi dịch vẫn cứ lây lan, số ca tử vong vẫn tăng, thì có lẽ các địa phương và Bộ Y tế cần đánh giá vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.