Lợi dụng xe bị tai nạn “hôi” bia, có phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không?

ANTĐ - Căn cứ vào những đặc trưng này, căn cứ vào những tình tiết vụ “hôi” bia của xe ô tô 79N-1348 tại TP Biên Hòa trưa ngày 4/12, chúng ta dễ nhận thấy có dấu hiệu của một vụ công nhiên chiếm đoạt tài sản. 

Nội dung vụ án

Khoảng 12h30 ngày 4-12, anh Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê ở huyện Hoài Ân, Bình Định) điều khiển xe tải 

79N-1348, chở hơn 1.300 thùng bia từ TP.HCM đi giao cho một đại lý bia ở Bình Thuận. Khi vừa ôm cua vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa-Đồng Nai), anh Hậu đánh tay lái sang đường Bùi Văn Hòa để tránh va chạm chiếc xe phía trước. Vì đang đi với tốc độ cao nên khi xe đổi hướng bất ngờ, hàng nghìn két bia trên thùng xe đã bị đổ xuống đường. Theo anh Hậu: “Lúc bia bị đổ, người tôi cứ bần thần. Càng lo lắng hơn khi người dân tập trung rất đông, lấy bia đem về. Tôi đã năn nỉ nhưng không được, cứ can ngăn người này thì những người khác lại vào lấy… Khi bia bị đổ xuống đường, cũng có một số người dân tốt bụng gọi điện cho cơ quan chức năng, khoảng 30 phút sau cơ quan chức năng có mặt. Lúc đó thì người dân đã lấy đi gần hết số bia rơi xuống đường rồi. Tôi cố gắng gom những lon bia vương vãi để vớt vát nhưng chẳng được bao nhiêu. Cuối cùng, tính cả số bia còn lại trên xe và cả số bia tôi gom lại trên đường chỉ còn 262 thùng và 40 két”. Theo những nhân chứng cho biết: Nhiều người còn mang cả xe ba gác đến chở bia đi, có người còn trèo cả lên xe ô tô lấy đi nhiều két bia. 

Được biết xe tải biển số 79N-1348 gặp sự cố đổ bia xuống đường tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai) là của Công ty TNHH vận tải và sửa chữa ô tô Trang Tuấn (trụ sở đường Phan Đình Giót, TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan công an đã mời anh Hậu đến lập biên bản, dựng lại hiện trường, điều tra xác minh. Để có căn cứ khởi tố vụ án, lực lượng công an đã tiến hành thu thập các tài liệu liên quan, làm việc với phía bị hại, công ty bảo hiểm để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại trong vụ việc trên. Đến ngày 11-12, bước đầu công an xác định được một số manh mối liên quan. Cụ thể đã xác định được một số người có tham gia vụ “hôi của” và thu hồi lại được một số bia. Với những chứng cứ thu thập được, cơ quan công an có thể sẽ xem xét khởi tố vụ án.

Vấn đề cần được trao đổi là những người nhân việc xe chở bia bị tai nạn lấy bia đã phạm tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản hay cướp tài sản?

Ý kiến bạn đọc 

Có thể phạm tội trộm cắp tài sản

Theo tôi, lúc xảy ra vụ việc có đông người xem, cũng có người lấy bia hoặc giúp đỡ người lái xe thu dọn bia bị đổ, nhiều người thấy lái xe chú ý hướng khác liền lấy bia đem đi, hành vi này là hành vi trộm cắp cắp tài sản. Theo những người có mặt tại hiện trường, rất nhiều người đã lén lút cho bia vào túi rồi phóng xe đi. Những hành vi này là vi phạm pháp luật phải nghiêm trị. Nếu trộm cắp số lượng bia trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, người có hành vi trộm cắp sẽ bị truy tố tội trộm cắp tài sản theo điều 138 BLHS.

Nguyễn Văn Phúc (TP Biên Hòa, Đồng Nai)

Đây là hành vi cướp tài sản

Không thể nói là tội trộm cắp tài sản, vì những người “hôi bia” đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản trước sự bất lực không thể ngăn cản lái xe. Không có hành vi lén lút trong trường hợp này, do đó hành vi này không thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản. Những người “hôi” bia đã lợi dụng số đông, trấn áp lái xe để cướp bia. Theo chính lái xe cho biết, anh đã van xin, ngăn cản, nhưng hàng trăm người vẫn ào vào cướp bia một cách trắng trợn. Nhiều người còn trèo lên xe, ném các két bia xuống cho đồng bọn chở đi. Khi lái xe dồn bia vào một chỗ để bảo vệ, một số người còn lao vào gạt lái xe ra để lấy bia. Hành vi dùng số đông trấn áp, làm vô hiệu hóa sự chống cự của lái xe theo đúng các quy định pháp luật là hành vi cướp tài sản. Hành vi dùng vũ lực của số đông để chiếm đoạt tài sản đã vi phạm điều 133 - BLHS. Tội danh cướp tài sản là tội danh truy tố theo hành vi, không có quy định về số lượng giá trị tài sản bị cướp. Mọi hành vi cướp tài sản đều bị truy tố trước pháp luật. Theo đó, những người cướp bia trong vụ này có thể phải chịu hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo khoản 1 điều 133 BLHS: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”

Phạm Thị Út Ba ( Phường 1, Q Bình Thạnh TP. HCM)

Bình luận của luật sư

Hành vi của những người lợi dụng vụ tai nạn làm đổ bia từ xe ô tô 79N-1348 để lấy bia là hành vi chiếm đoạt tài sản. Để xác định dấu hiệu định tội danh chúng ta cần phải hiểu rõ đặc trưng của các tội danh đối với hành vi chiếm đoạt tài sản có liên quan đến vụ việc này. Trộm cắp tài sản là chiếm đoạt tài sản với đặc trưng che giấu, lén lút việc thực hiện hành vi phạm tội với người quản lý tài sản. Cướp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản với đặc trưng thực hiện hành vi phạm tội bằng cách dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công không thể chống cự được. Công nhiên chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản có đặc trưng là thực hiện hành vi phạm tội công khai và ngang nhiên, người quản lý tài sản biết người phạm tội chiếm đoạt tài sản của mình mà không có điều kiện và khả năng để ngăn cản. 

Căn cứ vào những đặc trưng này, căn cứ vào những tình tiết vụ “hôi” bia của xe ô tô 79N-1348 tại TP Biên Hòa trưa ngày 4/12, chúng ta dễ nhận thấy có dấu hiệu của một vụ công nhiên chiếm đoạt tài sản. Ngay sau vụ tai nạn, người tài xế hoàn toàn bị động trong lúc xảy ra vụ việc, tai nạn xảy ra tại nơi công cộng, đông người xem và lấy bia, một mình tài xế không quản lý nổi. Hành vi chiếm đoạt bia của các cá nhân diễn ra công khai, không được sự đồng ý của tài xế nên có dấu hiệu phạm tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự. Các cá nhân “hôi bia” trong trường hợp này sẽ được xử lý theo Khoản 1 Điều 137 : “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này bao gồm: hành hung để tẩu thoát, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Trong trường hợp cá nhân “hôi bia” chiếm đoạt tổng tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng thì sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số: 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể: tại điểm b khoản 1 và khoản 4 điều 18 của Nghị Định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.