Lợi dụng mạng xã hội gây rối

ANTĐ - Mấy năm gần đây, cùng với báo chí và trang thông tin điện tử, trên Internet xuất hiện các mạng xã hội, điển hình là Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoo chat, Gmail… Với hơn 2 tỉ người trên khắp thế giới được tiếp cận với Internet thì những kênh thông tin kiểu này đã bộc lộ rõ sự tiện lợi, hữu ích nhưng cũng có thể gây độc hại do bị lạm dụng và phụ thuộc vào mục đích của người dùng.

Một người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ dùng Facebook
để cập nhật tin tức từ hiện trường ở Istanbul hôm 2-6

Cố tình làm “thủng” mạng

Trước khi “Cách mạng hoa nhài” nổ ra và nhanh chóng bùng phát ở Bắc Phi, Trung Đông; bạo loạn đường phố ở Anh; phong trào “chiếm phố Wall” ở Mỹ và nhiều nước phương Tây… ít ai nghĩ Facebook, Twitter, các trang mạng xã hội, các công cụ cung cấp nội dung trên Internet lại có thể ảnh hưởng sâu sắc, nghiêm trọng đến an ninh, trật tự đến như vậy. 

Trở lại với “điểm nóng” Thổ Nhĩ Kỳ những ngày gần đây, Thủ tướng nước này, ông Recep Tayyip Erdogan đã phải gọi Twitter là “mối đe dọa tồi tệ nhất đối với xã hội” khi trở thành công cụ kích động biểu tình phản đối chống chính phủ. Nguồn tin mới đây cho biết, nhóm tin tặc Red Hack thậm chí còn hướng dẫn người biểu tình đối phó với cảnh sát khi bị cáo buộc “chia sẻ thông tin kích động”. Cùng với việc bắt giữ các blogger, chính quyền đã cố chặn truy cập Facebook và Twitter cũng như mạng điện thoại di động, tương tự trường hợp Ai Cập 2 năm trước đây những luồng thông tin đã vượt tầm kiểm soát. Bằng việc gửi tin nhắn thông qua Twitter, hôm 1-6-2013 đã có lượng tin nhắn “đỉnh điểm” lên tới 600.000 tin liên quan đến tag #occupygezi – chủ đề về biểu tình tại công viên Gezi, Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ở Ai Cập, khi phong trào biểu tình, bạo loạn đã ở thời điểm cao trào nhất (cuối tháng 1-2011), Tổng thống Hosni Mubarak đã ra lệnh chặn Facebook, cắt Internet… nhưng giải pháp đó quá muộn.

Ngay tại nước Nga, hôm 12-6, đáp ứng lời kêu gọi của các phe đối lập mà đứng đầu là một blogger nổi tiếng, cả nghìn người đã đổ ra đường để bày tỏ sự ủng hộ dành cho những người biểu tình chống điện Kremlin bị bắt. Khoảng 1 năm trước, Thủ đô Matxcơva chứng kiến nhiều cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Nga đầu tháng 12-2011 và phản đối ông Putin - vị chính khách có uy tín và được lòng dân Nga nhất trong hơn 1 thập kỷ qua - đã trở lại Điện Kremlin tháng 4-2012. Các nhóm đối lập đã sử dụng công nghệ khá tinh vi là các mạng xã hội để tổ chức các cuộc biểu tình bất hợp pháp, chẳng hạn, từ việc dựng tạm lều bạt tại trung tâm Matxcơva cho đến tụ tập xung quanh điện Kremlin để phản đối đến cùng. 

Không chỉ vậy, một số người đứng đầu Chính phủ Anh, các nước phương Tây từng lớn tiếng hô hào “tự do cho Internet”, nhưng khi mặt trái của các phương tiện truyền thông này gây hậu quả ở chính nước họ, họ đã phải thốt lên: Internet, Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. 

Quản lý mạng không dễ

Với bản chất “không biên giới” thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Một số quốc gia đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền Internet để kiểm soát “lãnh thổ” của mình.  

Tại Nga, cùng với quản lý mạng xã hội chủ yếu là của các công ty trong nước, Chính phủ Nga tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội từ nước ngoài. Tháng 11-2012, Nga dự thảo một đạo luật mới, trong đó những trang web mang các thông tin bị cấm tại Nga sẽ bị đặt trong một danh sách đặc biệt. Cũng chính vì thế YouTube, trang mạng chuyên cung cấp các đoạn video trên Internet có nguy cơ bị cấm tại Nga. Hay như mạng xã hội lớn nhất nước Nga - VKontakte (còn gọi là VK) hiện có hơn 200 triệu người đăng ký sử dụng cũng bị đưa vào “tầm ngắm”. VK được cho là nơi tổ chức những cuộc tranh luận chính trị tự do mà chính quyền không thể kiểm soát được và nhiều người đã từng dùng mạng này để phát tán các thông tin tổ chức biểu tình chống Tổng thống Putin. Tháng 4-2013, VKontakte đã diễn ra sự thay đổi về quyền sở hữu khi một quỹ đầu tư tư nhân có liên kết với điện Kremlin mua lại 48% cổ phần từ các đối tác sáng lập. Cùng với đó, lệnh cấm trong thời gian ngắn hôm 24-5 cũng được cho là một đòn cảnh cáo nhằm nhắc nhở VKontakte phải thắt chặt giám sát hoạt động. 

Trong khi các quốc gia khác như: Pakistan, Iran, Syria, Triều Tiên, Bangladesh, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Myanmar… đã chặn các mạng xã hội nước ngoài Facebook, Flickr, Twitter… coi như giải pháp tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội thì chính quyền Mỹ cũng có cách quản lý riêng của họ. Một mặt hỗ trợ cho các trang mạng xã hội bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông, đồng thời họ cũng siết lại quyền sở hữu những nhà mạng lớn trong nước trước nguy cơ thâu tóm của nước ngoài.

Một giải pháp khác có thể coi khá hữu hiệu là của Trung Quốc - nơi có gần 460 triệu người sử dụng Internet. Nước này phát triển Internet, mạng xã hội, báo chí điện tử nội địa để nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, nhưng cũng không quên dựng những “tường lửa”, thậm chí ngăn chặn toàn bộ các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy nguy hại cho công chúng trong nước.