Lợi dụng mạng xã hội bôi nhọ, tống tiền

ANTĐ - Không thể phủ nhận cư dân mạng đã góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc khi ngày càng nhiều quan chức “dính chàm” bị phanh phui. Thế nhưng, cũng có những phóng viên, blogger cơ hội, thậm chí tổ chức thành đường dây tội phạm nhân danh chống tham nhũng để phỉ báng, bôi nhọ người khác nhằm mưu lợi cá nhân.

Lợi dụng mạng xã hội bôi nhọ, tống tiền ảnh 1
Bức ảnh khoe sự giàu có của Quách Mỹ Mỹ từng gây“bão” trên mạng xã hội Trung Quốc


Nhiều vụ bê bối bị phanh phui

Những vụ bê bối bị phanh phui gần đây tại Trung Quốc thường khởi nguồn từ những thông tin và hình ảnh cáo buộc được đăng tải trên mạng xã hội. Nổi bật trong số đó có vụ một lãnh đạo ở thành phố Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây đã mất chức sau khi bị phát giác có 4 vợ, 10 con, hay vụ một quan chức ở tỉnh Hồ Nam có khối lượng tài sản 19 triệu USD nhưng không thể giải thích được nguồn gốc và ông này từng tặng cho con gái mình 32.000 USD tiền mặt nhân ngày sinh nhật.

Vụ bê bối liên quan đến một cô gái trẻ tên là Quách Mỹ Mỹ, tự nhận làm việc cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cũng bị cư dân mạng phát giác. Cô gái này khoe sự giàu sang của mình bằng việc tải lên mạng Sina Weibo các bức ảnh chụp với những chiếc xe hơi sang trọng và sử dụng hàng hiệu như túi xách Hermes hay giầy cao gót Sergio Rossi trị giá 17.120 nhân dân tệ (2.790 USD). Sự phô trương lối sống xa xỉ của cô gái 20 tuổi này đã gây “bão” trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng không ngần ngại “ném đá” và cho rằng có thể cô này đã lạm dụng quỹ từ thiện để lấy tiền ăn chơi. Ngay sau đó, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã thực hiện cuộc điều tra riêng rẽ nhưng không phát hiện Quách Mỹ Mỹ liên quan đến tổ chức này. Nhưng cũng từ cuộc điều tra trên, tình trạng quản lý yếu kém đã bị vỡ lở, và làm tổn hại nghiêm trọng uy tín cũng như khả năng gây quỹ của Hội Chữ thập đỏ  Trung Quốc. Mặc dù vụ việc xảy ra vào năm 2011, nhưng 2 năm sau, uy tín của tổ chức này vẫn chưa thể phục hồi.

Mới đây nhất, hôm 28-6, Lôi Chính Phú, nguyên Bí thư Quận ủy Bắc Bội, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, đã bị kết án 13 năm tù và bị phạt 300.000 nhân dân tệ, vì tội nhận hối lộ 3 triệu nhân dân tệ (488.000USD). Cựu quan chức cao cấp tại Trùng Khánh này đã bị cách chức sau khi đoạn phim sex có hình ảnh của ông ta được đưa lên mạng hồi năm ngoái. Người phụ nữ trong đoạn video sau đó thừa nhận đã cấu kết với doanh nhân Tiêu Diệp để “đặt bẫy” ông Lôi Chính Phú khi dùng những đoạn video nhằm đòi tiền chuộc hoặc để đảm bảo có được những hợp đồng về phát triển bất động sản. 

Trong khi đó, những bức ảnh cáo buộc đăng tải trên mạng xã hội cũng khiến không ít quan chức lao đao như việc sở hữu quá nhiều đồng hồ đắt tiền và tổ chức các bữa tiệc quá xa hoa bằng tiền thuế của người dân. Trong nhiều trường hợp, các quan chức nằm trong diện nghi vấn bị dư luận lên án mạnh mẽ và phần lớn những lời biện hộ của họ thường không được chấp nhận.

Siết chặt mạng xã hội

Mặc dù mạng xã hội góp phần không nhỏ vào công cuộc chống tham nhũng tại Trung Quốc, nhưng cũng có những kẻ cơ hội lợi dụng mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ hoặc tống tiền. Hồi tháng 4 vừa qua, Cảnh sát thành phố Trịnh Châu, miền Trung Trung Quốc, thông báo đã phá vỡ một đường dây tội phạm gồm 80 đối tượng chuyên đóng giả nhà báo và đe dọa sẽ viết các thông tin tiêu cực về những người không chịu trả tiền cho chúng. Hãng Tân Hoa xã hồi tháng 5 vừa qua đưa tin, 6 người đã bị buộc tội vì bí mật ghi hình trái phép các đoạn phim sex của các quan chức ở Trùng Khánh từ năm 2008-2009 nhằm tống tiền. Tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã đăng bài xã luận nói rằng các tình nhân bị bỏ rơi có thể không phải là “người thổi còi” đáng tin cậy trong các vụ án tham nhũng.

Ngoài việc truy tố những kẻ tung tin đồn thất thiệt để tống tiền, chính phủ nước này cũng thực hiện các biện pháp nhằm siết chặt quản lý các diễn đàn mạng xã hội, nơi những thông tin gây xôn xao dư luận có thể nhanh chóng lan truyền chỉ trong vài giờ. 

Cách đây hơn một năm, Trung Quốc đã công bố một chính sách mới yêu cầu mọi tất cả người dùng mạng xã hội phải đăng bằng tên thật, vì họ cho rằng nó sẽ giúp ngăn chặn những kẻ cơ hội tung tin đồn thất thiệt để trục lợi. Cùng với đó, mạng Sina Weibo cũng đưa ra một hệ thống xếp hạng người dùng dựa trên thang điểm 10, với điểm 1 là ít tin cậy nhất còn điểm 10 là tỷ lệ tin cậy cao nhất. Nếu người nào đăng tải và lan truyền các thông tin thất thiệt, độ tin cậy của họ sẽ bị hạ thấp trong hệ thống xếp hạng.