Lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng, tội phạm cất giấu ma túy trong hàng hóa nhập khẩu

ANTD.VN - Thời gian gần đây, hải quan phát hiện nhiều vụ việc tội phạm ma túy lợi dụng các chính sách hải quan thông thoáng, cất giấu ma túy trong các hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là thông tin được Tổng cục Hải quan đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về công tác phòng chống ma túy của lực lượng hải quan, chiều 17/5.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, thời gian vừa qua, cùng với sự hội nhập phát triển, giao lưu thương mại quốc tế, hoạt động tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu.

“Các loại ma túy tổng hợp dạng đá trước đây hầu như ít được giao dịch, mua bán. Tuy nhiên, từ giữa năm 2017 đến nay, tình trạng mua bán, vận chuyển các loại ma tuý tổng hợp dạng viên và dạng đá kèm theo heroin với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào về Việt Nam có chiều hướng gia tăng” - ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết.

Nguyên nhân theo ông này, bởi đường biên giới chung giữa 2 nước Việt Nam - Lào dài, việc qua lại du lịch, buôn bán, đầu tư của nhân dân 2 nước thuận lợi. Ngoài ra, quan hệ thương mại tăng cao cũng khiến lượng phương tiện qua lại 2 bên biên giới cũng gia tăng và dễ dàng hơn.

Đáng chú ý, tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp ở Trung Quốc đã có hướng chuyển địa bàn sang Myanmar và Lào, sau đó tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng cũng thường xuyên dùng tuyến hàng không, bưu điện và chuyển phát nhanh, sử dụng tuyến biển và cảng biển quốc tế.

Nhiều vụ vận chuyển ma túy đã bị lực lượng hải quan phát hiện

Về thủ đoạn của tội phạm ma túy, theo Tổng cục Hải quan, chúng thường lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, thành lập doanh nghiệp để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ.

Lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất, nhập cảnh để cất giấu ma túy, với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng: Khai báo sai tên hàng hoá, số lượng, chủng loại hàng hoá; lợi dụng các doanh nghiệp được ưu tiên để trà trộn, cất giấu ma tuý vào hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh, cất giấu trong người, hành lý để đưa ma tuý vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài tiêu thụ.

Đối với loại hình hàng hoá, phương tiện quá cảnh, tội phạm ma tuý thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh là chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, (nhất là các phương tiện xe container) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, bọn tội phạm ma túy còn lợi dụng loại hình hàng tạm nhập - tái xuất để cất giấu vào hàng hoá đựng trong các container, vận chuyển mua túy từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó trung chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Đối với hành lý mang theo người làm thủ tục xuất nhập cảnh, bọn tội phạm thường trực tiếp thực hiện và thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại 2 bên biên giới, thăm thân, du lịch để vận chuyển ma túy được cất giấu tinh vi bên trong các vali, túi xách được thiết kế hai đáy, gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong hàng tạp hóa, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tội phạm ma túy đặc biệt nguy hiểm với thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, tổ chức chặt chẽ bậc nhất trong các loại tội phạm hiện nay. Tuy nhiên, trang bị, đầu tư với ngành hải quan đã có thời gian sử dụng lâu, lạc hậu và khó đáp ứng yêu cầu về lâu dài.

Nói rõ hơn, ông Nguyễn Văn Thủy cho biết, nếu không có máy móc, việc kiểm tra một ô tô nghi ngờ giấu ma túy rất khó và mất thời gian. Có trường hợp lực lượng chức năng đã phải tháo cả xe ra vì đối tượng giấu kỹ trong các vách ngăn.

Theo báo cáo, chỉ tính từ tháng 7.2018 đến nay, lực lượng phòng chống ma túy ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 129 vụ/91 đối tượng. Thu giữ: 218 kg heroin, 30kg thuốc phiện, 725kg ma túy đá, 127,6kg cocain, 502kg ketamin, 40,6kg cần sa và 179.833 viên ma túy tổng hợp các loại.

Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng lập và đấu tranh thành công 20 chuyên án, bắt giữ 22 đối tượng, thu giữ: 346,72kg ma túy đá, 127,6kg cocain, 142,8kg heroin, 502,1kg ketamin cùng hàng chục ngàn viên ma túy tổng hợp.

Một vụ việc điển hình được nêu lên là ngày 20/3, lực lượng hải quan phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 300 kg ma túy đá. Đường dây này do các đối tượng quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc câu kết với một số đối tượng người Lào và Việt Nam tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Lượng hàng này từ khu Tam giác vàng, đưa qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) về TP.HCM, từ đó tìm cách đưa sang Đài Loan tiêu thụ.

Mới đây nhất, ngày 11/5, lực lượng chức năng đã triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép 500kg ma túy ketamin từ nước ngoài vào địa bàn TP.HCM để trung chuyển bằng đường biển sang nước thứ 3 tiêu thụ. Đường dây này do các đối tượng người Đài Loan cầm đầu.