“Ma men” cầm lái, thiệt hại khôn lường (1)

Lỗi chủ quan khiến tai nạn giao thông thêm trầm trọng

ANTD.VN - LTS: Có nhiều yếu tố khách quan dẫn đến tai nạn giao thông, như thời tiết, chất lượng đường sá, chất lượng phương tiện…, song ý thức của người tham gia giao thông vẫn là nguyên nhân chính yếu. Đi sai làn đường quy định, chuyển hướng không có đèn báo, vượt quá tốc độ quy định, hay uống rượu bia say… đều là những lỗi chủ quan trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông; cùng với việc người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, khiến cho tai nạn khi xảy ra thì để lại hậu quả nặng nề. Để điều khiển phương tiện an toàn thì người lái xe phải trong tâm trạng minh mẫn, tỉnh táo. Dù biết lý thuyết là như vậy, vẫn có không ít “ma men” cầm lái và hậu quả đã dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc.

CSGT kiểm tra, xử lý người vi phạm giao thông liên quan đến sử dụng bia rượu

Nguy hiểm là thế và mức xử phạt hiện nay đối với các lỗi vi phạm giao thông liên quan đến rượu, bia là khá cao. Tuy nhiên, để xử phạt được một trường hợp lái xe sử dụng rượu bia vi phạm không phải dễ, bởi sự chống đối của “người say”...

“Tử thần” điều khiển vô lăng

Dù xảy ra đã 1 tháng song vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La vẫn khiến những người dân nơi đây không khỏi bàng hoàng mỗi khi nhắc lại. Khi đó, chiếc xe ô tô 5 chỗ đã va chạm với xe tải; trong phút chốc, 4 người trong chiếc xe 5 chỗ tử vong, riêng lái xe bị thương nặng. Hai người trên xe tải may mắn thoát chết. Kết luận sơ bộ, cơ quan chức năng xác định vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện có liên quan đến rượu bia. 

Trước đó, chiếc xe ô tô Toyota - Camry BKS: 38A - 103.31 do Trần Đình Đức (SN 1990, trú tại phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Hà Nội - TP.HCM, đã đâm vào hông xe bồn BKS: 38C - 034.63 chạy ngược chiều. Không kịp phản ứng sau vụ tai nạn trên, chiếc xe ô tô container BKS: 38N - 4450 kéo theo rơ moóc BKS: 38R - 0264 đã đâm trúng phần đuôi xe ô tô Camry. May mắn vụ tai nạn không khiến ai thiệt mạng, nhưng các phương tiện đều bị hư hỏng nặng. Điều đáng nói, trong hơi thở của lái xe ô tô Camry lúc đó có nồng độ cồn cao.

Mức xử phạt nặng đã có, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho việc xử lý không thiếu nhưng kết quả xử lý lỗi vi phạm này khá ít, là một thực trạng để các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận lại về thái độ, quyết tâm của lực lượng thực thi nhiệm vụ. Bởi nếu CSGT không kiên quyết, chắc chắn rằng những vụ TNGT nghiêm trọng xuất phát từ các lái xe uống bia, rượu sẽ còn xảy ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ phát hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT đối với lái xe tăng nhiều lần. Cùng với đó, số vụ TNGT do lái xe sử dụng bia, rượu đang có những diễn biến phức tạp, tăng cao và chưa có xu hướng giảm. Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng bia, rượu thường rất nghiêm trọng cả về tính chất, mức độ thiệt hại người và tài sản.

Chỉ huy Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đánh giá: Không chỉ ở các đô thị, trong thành phố, ở những khu vực nông thôn ngoại thành đang có nguy cơ xếp vào diện “vùng đỏ” bởi tỷ lệ TNGT liên quan đến rượu, bia nhiều hơn và gia tăng nhanh hơn, nhất là trong những dịp lễ, Tết, hội làng… Trên thực tế, đã có những năm số vụ TNGT liên quan đến rượu bia ở các huyện ngoại thành tăng cao gấp nhiều lần so với nội đô sau mỗi kỳ lễ, Tết. 

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục CSGT khẳng định: Người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường chạy tốc độ rất cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Chính vì vậy, các lái xe uống rượu bia và điều khiển phương tiện thường đi liền với vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường... Đây là những tình huống trực tiếp gây ra va quệt, TNGT hoặc tự đâm.

Điều này hoàn toàn chính xác khi các chuyên gia y tế đã khẳng định, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1 lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; 0,1mg/1 lít khí thở, gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về; 0,2mg/1 lít khí thở, dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh… 

Phạt khó càng phải kiên quyết

Hiện nay, mức xử phạt đối với lỗi vi phạm rượu bia là khá cao, tương xứng với hành vi nguy hiểm mà lái xe có thể gây ra. Cụ thể, mức thấp nhất là phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, kèm theo phạt bổ sung. 

Mức phạt cao nhất là từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 9, Điều 5 - Nghị định 46/CP của Chính phủ); hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ (theo Điểm b, Khoản 9, Điều 5 - Nghị định 46/CP). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4-6 tháng (theo Điểm đ, Khoản 12, Điều 5 - Nghị định 46/CP).

Ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, một trong những lái xe đầu tiên bị CSGT Hà Nội xử phạt ở mức cao nhất là ông Nguyễn Văn Nam ở Hà Nội, khi điều khiển phương tiện mà nồng độ cồn trong hơi thở vượt ngưỡng 0,622 miligam/1 lít khí thở. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử phạt được một trường hợp vi phạm là điều hoàn toàn không hề đơn giản. Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cho biết, khi CSGT xử phạt người tỉnh với mức phạt cao đã khó, huống hồ là đối với người say.

Trong trạng thái không được tỉnh táo, họ tìm đủ mọi cách để thoái thác yêu cầu kiểm tra, xử lý của CSGT. Qua công tác tuần tra kiểm soát, CSGT phát hiện khá nhiều lái xe có dấu hiệu sử dụng bia, rượu nhưng lái xe chống đối đến cùng việc kiểm tra của CSGT. Có lẽ đây là nguyên nhân khiến cho kết quả xử lý đối với lỗi vi phạm này thường khiêm tốn so với các lỗi vi phạm khác.

Đồng quan điểm, chỉ huy Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2017, đơn vị chỉ xử phạt được 145 trường hợp lái xe vi phạm lỗi uống rượu bia. Còn Đội CSGT số 7 trong cả năm 2017 cũng xử phạt chưa đến 70 trường hợp. Thông tin với phóng viên, chỉ huy Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội nhìn nhận, kết quả xử lý vi phạm đối với lỗi rượu, bia hiện nay của CSGT là chưa thấm vào đâu so với vi phạm hiện hữu. 

Vi phạm liên quan đến lái xe sử dụng bia, rượu diễn ra quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao vào những dịp lễ, Tết, cuối năm. Cứ nhìn vào những quán bia, nhà hàng… nơi có hàng trăm, nghìn người đang nâng cốc sau mỗi cuộc vui, ngắc ngư ngồi sau vô lăng điều khiển phương tiện trên đường cũng đủ thấy rùng mình. 

(Còn tiếp)