Lời cảnh tỉnh cho các đối tượng hám lời, tiếp tay người nhập cảnh trái phép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như ANTĐ thông tin, Cơ quan ANĐT-CATP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với các đối tượng: Trần Thị Phương Thảo (SN 1999 ở Phú Thọ) , Ou Guo Pei và Đinh Thị Huệ về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. 

Liên quan đến vụ án trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, việc nhập cảnh vào Việt Nam phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Hành vi của các đối tượng Thảo, Huệ và Pei là hành vi tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép ở Việt Nam. Các đối tượng biết rõ những người Trung Quốc này vào Việt Nam không theo đường chính ngạch, không thực hiện cách ly y tế theo quy định nhưng vẫn tổ chức, sắp xếp đưa vào nước ta.

“Hành vi này ảnh hưởng xấu đến ANTT và công tác phòng chống dịch, có dấu hiệu của phạm tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép theo Điều 348 Bộ luật Hình sự” – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh..

Theo đó, người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với từ 5-10 người; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100- dưới 500 triệu đồng...thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội đối với 11 người trở lên; Thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên...thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam
Các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu có đủ căn cứ cho rằng, các đối tượng nhập cảnh trái phép vi phạm quy định về khai báo y tế, cách ly y tế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 117/2020/NĐ -CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điều 11 Nghị định này nêu rõ, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi “từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu” bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Trong trường hợp các đối tượng làm lây lan dịch bệnh cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người (Điều 240) hoặc Tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người (Điều 295).

Đối với những người tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh cần áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 là Lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.

Có thể nói, hành vi tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã và đang là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch mà cả nước đã đạt được trong suốt thời gian qua – Luật sư Hồng Vân nhận định.

Trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, nếu không xử lý nghiêm minh và quản lý tốt hoạt động xuất nhập cảnh trái phép sẽ gây hậu quả khó lường .

Do đó, bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý về xuất nhập cảnh, cơ quan chức năng cần xử lý nhanh chóng, nghiêm minh các đối tượng có hành vi vi phạm, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cần xử lý hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc, công khai tuyên truyền để người dân biết nhằm đảm bảo tính răn đe – Luật sư Hồng Vân đề xuất.