Lời cảnh báo cuối cùng của năm cũ: Đừng chết đuối trong rượu bia

ANTĐ - Trong trí nhớ của tôi, tất cả những cao thủ uống rượu được lưu truyền trong giang hồ vài chục năm nay, khi tàn đời trong tình trạng tàn tạ về sức khỏe, thương tật về thần kinh và nát nhừ nhân cách đều đau khổ vì đã đã từng là ma men. Và đã có trường hợp cao thủ lừng lẫy vì rượu, vì bia chết không kịp ân hận bằng một án tử hình. Vậy thì, bằng bài viết cuối cùng của năm, vào lúc Ất Mùi đã lấp ló ngoài cửa, cảnh báo nguy hiểm: Xin đừng chết đuối trong rượu bia!

Uống thoải mái?

Vị huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam vốn người Nhật Bản. Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ bia lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau có Trung Quốc. Vậy mà mới sang ít lâu, ông ta đã tròn mắt ngạc nhiên vì người Việt Nam thường uống bia vào bữa trưa, thậm chí ông ngạc nhiên: có người uống tới 2 chai bia. Thưa ông, ông còn ở đất nước tôi theo hợp đồng đến vài năm nữa. Ông sẽ thấy, người Việt Nam không chỉ uống buổi trưa, sáng sớm nhiều người trong số chúng tôi đã phải súc miệng vài chén rượu, để chờ đợi trưa uống, tối uống. Và không uống một hai chai bia đâu, người ta uống cả két bia, không uống một hai chén rượu đâu, họ uống 

cả chai. 

Trong một chuyến điều tra kinh tế ở một huyện thuộc Thái Nguyên, chỉ trong cuộc gặp mặt cán bộ địa phương, mỗi người đã phải uống khoảng 0,5 lít rượu. Một chị cán bộ phụ nữ, một mình “chiến” với cả đoàn công tác, chị ấy uống đến cả chai rượu mà không say. Nghe nói, chị ấy được làm cán bộ huyện chỉ bởi khả năng uống rượu. Chỉ tiếc, chị ấy mới có 40 tuổi mà dung nhan đã như người hơn 50. Dĩ nhiên đó là vì rượu. Kinh khủng vì rượu.

Theo số liệu của Bộ Công thương, lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam qua mỗi năm lại liên tục gia tăng. Với tỷ lệ tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ ba tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Việt Nam, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “phi mã” qua các năm. Trong năm 2012 mức tiêu thụ bia của cả nước là 2,8 tỉ lít thì đến năm 2013 mức tiêu thụ bia đã là hơn 3 tỉ lít. Số bia sản xuất trong nước là 2,9 tỉ lít không đủ cung cấp cho nhu cầu uống bia của người Việt. Nhưng đó mới là bia. Chưa và không ai có thể tính được lượng rượu mà dân Việt tiêu thụ hàng năm. Vì nó quá lớn và quá nhiều nguồn, đa số là không chính thống. 

Sử dụng rượu bia đã trở thành một thói quen phổ biến đối với không ít đàn ông, có trên 70% đàn ông Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia. Thậm chí với nhiều đấng mày râu, sử dụng rượu bia đã trở thành “nét văn hóa”, một thói quen trong cuộc sống thường ngày. Rượu bia đi vào từng sinh hoạt của người dân. Rượu bia xuất hiện ở tất cả các cuộc vui như cưới hỏi, sinh nhật, hội họp, gặp mặt…

Thậm chí, ngay cả ma chay cũng không thể thiếu được rượu bia. Và chúng ta tự hào về sản xuất và kinh doanh rượu bia. Ngày 23/01/2015, tại Bộ Công Thương, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015. Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh, trong năm 2014, các doanh nghiệp và hội viên đã bám sát tình hình thị trường, thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường, tăng cường quản lý chất lượng để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ đáp ứng nhu cầu thị trường, nên về sản xuất và tiêu thụ bia vẫn tăng trưởng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành đồ uống vẫn tiếp duy trì được mức tăng trưởng khá, quan hệ kinh tế quốc tế được mở rộng. Với số lao động chỉ chiếm khoảng 0,3% số lao động trong các doanh nghiệp cả nước, số nộp ngân sách thông qua thuế TTĐB và các loại thuế khác khoảng 19.000 tỷ đồng, trong đó thu từ sản xuất kinh doanh rượu bia chỉ vào khoảng 12.000 tỷ đồng. Năm 2014, các doanh nghiệp trong ngành bia dự kiến sản xuất và tiêu thụ 3,14 tỷ lít bia tăng 8,1% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành Nước giải khát dự kiến sản xuất và tiêu thụ 4.05 tỷ lít, tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ. Sản xuất rượu công nghiệp dự kiến đạt 65 triệu lít, đạt 97% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy là thắng lợi rực rỡ? Chỉ tiếc rằng, một đồng thu ngân sách từ rượu bia chúng ta phải trả hai đồng để chăm sóc sức khỏe và chữa trị những bệnh do lạm dụng rượu.

Uống để chết

Theo các chuyên gia trong Hội thảo Phòng chống các bệnh không lây nhiễm mới được tổ chức, ngân sách dành cho việc chăm sóc và chữa trị những bệnh nhân lạm dụng chất uống có cồn năm 2014 khoảng 21.000 tỷ đồng. Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu là uống quá nhiều và uống các loại nước có cồn chất lượng không đảm bảo. Quá đúng, Người Việt chúng ta uống rượu cất từ các loại men cổ truyền, các loại men lá của bà con thiểu số, đến các loại men Trung Quốc mà nói như một nhà buôn rượu, với loại men này, gốc rạ nấu ra uống cũng say. Nhưng kinh sợ nhất là cuối cùng đa số dân Việt uống rượu không cần cất. Các làng nghề nổi tiếng ở Bắc Ninh, Bắc Giang và ngay cả ngoại thành Hà Nội bây giờ sản xuất rượu không cần đỏ lửa, một thùng phi nước lã, vài lít cồn công nghiệp, một ít hương liệu hóa học, vậy là đủ bét nhè mấy trăm anh trai làng. 

Không thể bào chữa được. Thu từ bia rượu không đủ chi giải quyết hậu quả bia rượu. Còn chần chừ gì nữa? Theo tin mới nhất, Singapore sau nhiều năm cấm uống rượu bia nơi công cộng đã quyết định tiến thêm một bước, cấm bán rượu sau 22h đêm. Những chính sách của nước láng giềng vốn được coi là hình mẫu cho những chính sách xã hội đã tiếp thêm động lực cho những chính sách hạn chế tác hại của tệ nạn lạm dụng rượu bia ở nước ta. Nhằm phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 244/QĐ-TTg về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Theo đó, giảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành (15 tuổi trở lên)/năm quy đổi theo rượu nguyên chất từ 12,1% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 10% giai đoạn 2013 - 2016 và 6,5% giai đoạn 2017 - 2020; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong các lực lượng vũ trang không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực; phòng ngừa người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; phòng ngừa bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Mục tiêu đến năm 2016, 30% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được sàng lọc phát hiện sớm, 25% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được tư vấn, điều trị cai nghiện và chống tái nghiện tại cộng đồng, 20% số người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn khác được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia và đồ uống có cồn khác; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 50%, 40% và 30%. Hãy thành tâm ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng để cứu những trai tráng của chúng ta có thể đang sắp chết đuối trong chai rượu, cốc bia.

Hãy đừng chết sớm vì rượu bia

 Lạm dụng đồ uống có cồn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng và trật tự, an toàn xã hội; là nguyên nhân đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm như ung thư, tim mạch, sơ gan và các rối loạn tâm thần… Chưa kể 70% tai nạn giao thông đường bộ làm chết hàng ngàn người một năm ở Việt Nam có liên quan đến tình trạng lạm dụng rượu bia mà vẫn lái xe.

Uống bia rượu với rất nhiều tác hại, nhưng nhiều đàn ông Việt lại không thể từ bỏ những chất men này. Vì vậy, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo “ngưỡng” an toàn với uống rượu bia. Theo đó, để không lạm dụng rượu bia, không bị rượu bia gây hại cho sức khỏe, nên uống dưới ngưỡng cho phép.

Tất cả những người từ 60 tuổi trở lên uống 14 đơn vị rượu/tuần, hơn 2 đơn vị rượu/ngày, hơn 1/2 đơn vị rượu/giờ; người dưới 60 tuổi uống trên 21 đơn vị rượu/tuần, hơn 3 đơn vị rượu/ngày, hơn 1 đơn vị rượu/giờ hoặc sử dụng rượu bia trong những trường hợp luật pháp nghiêm cấm đều được coi là lạm dụng rượu bia. Trong đó, 1 đơn vị rượu là khoảng 2/3 chai bia 500ml hoặc 1 lon bia 330ml, 1 chén 30ml rượu mạnh 40 – 43%). Vượt quá ngưỡng này đều có nguy cơ về sức khỏe do lạm dụng rượu bia. Vì thế, việc uống bia rượu có chừng mực là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, những người hay uống rượu bia nên sử dụng bổ sung các chế phẩm tăng cường chức năng gan, giải độc gan và bảo vệ gan như actiso, rau đắng đất, bìm bìm biếc, diệp hạ châu, cây kế sữa... Xin giữ cho ngày Tết đầm ấm bớt đi những nỗi lo lắng.