Loay hoay tìm giải pháp

(ANTĐ) - Theo lẽ thường, hàng nội phải bám rễ sâu ở chính thị trường Việt Nam rồi nếu đủ năng lực, mới vươn rộng ra các thị trường xuất khẩu khác. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay tìm phương án đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước.

Loay hoay tìm giải pháp

(ANTĐ) - Theo lẽ thường, hàng nội phải bám rễ sâu ở chính thị trường Việt Nam rồi nếu đủ năng lực, mới vươn rộng ra các thị trường xuất khẩu khác. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay tìm phương án đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước.

Chậm khắc phục điểm yếu

Tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ năm 2011 cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa diễn ra vào tháng 6 này, bà Nông Thị Lâm - đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề xuất: “Các doanh nghiệp Việt Nam cần có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng Việt, sản xuất ra các mặt hàng có giá cả, chất lượng phù hợp với người Việt hơn nữa”. Đề xuất của bà Lâm xuất phát từ thực tế, ý thức của người dân địa phương về tiêu dùng hàng Việt đã tăng lên, nhưng hàng Trung Quốc giá chỉ bằng ¼ hàng Việt, nhất là ở khu vực chợ Tân Thanh (Lạng Sơn) nên sức cạnh tranh của hàng Việt vẫn kém. Hạn chế này muốn thay đổi cần có thời gian, nhưng đây vẫn là lý do cũ mà hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không có chuyển biến gì.

Giày Thượng Đình được người tiêu dùng nội địa ưa thích
Giày Thượng Đình được người tiêu dùng nội địa ưa thích

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các mặt hàng tiêu dùng: dệt may, da giày, hàng cơ khí... hàng Trung Quốc chiếm lĩnh. “Để tạo đất sống cho hàng Việt, cần quản lý tốt thị trường, chăm lo cho sản xuất hàng Việt tốt hơn, đưa hàng về nông thôn, xây dựng thị trường lâu dài cho hàng Việt” - bà Hạnh nói. Điều đó có nghĩa là mục tiêu thiết lập hệ thống phân phối hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi có nhu cầu cao về hàng Việt vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn.

Từ đầu năm đến nay, BSA đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn, song toàn bộ các chuyến hàng này đều được thực hiện ở các tỉnh phía Nam. Bà Hạnh cho biết, nhiều địa phương ở miền Bắc chưa mặn mà với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Không có sự ủng hộ, tạo điều kiện này nên hàng Việt chưa có mặt rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc.

Dường như, hàng Việt vẫn bị động trên “sân nhà” khi phụ thuộc vào việc tạo điều kiện của địa phương, việc quản lý chặt thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu của các lực lượng chức năng, thay vì tự đứng vững vì những lợi thế riêng biệt mà hàng ngoại không có.

Lạc quan về tương lai

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong 5 tháng đầu năm 2011 đã tổ chức được gần 50 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tham gia. Các hoạt động này đã được triển khai đều đặn tại các tỉnh, trung bình mỗi nơi 1 đợt/tháng. Đặc biệt tại các tỉnh biên giới, hàng Việt không chỉ thu hút được người dân bản địa mà còn lôi kéo được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như: Lào, Campuchia hay Trung Quốc… ”.

Thị trường tiêu dùng Việt Nam được biết đến với dân số đông, trẻ, nhu cầu mua sắm tiêu dùng cao. Cũng chính sức mua cao của người tiêu dùng Việt đã khiến các tập đoàn, tổng công ty đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước, dù công cuộc chiếm lại thị trường nội địa mới thực sự mạnh mẽ trở lại từ năm 2009. Điển hình là Tập đoàn Dệt may (Vinatex) với gần 50 cửa hàng và khoảng 700 đại lý sẽ được mở rộng trong năm nay. Dự kiến, doanh thu từ thị trường nội địa của Vinatex ước đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng từ 18 - 20% so với năm 2010. Tổng công ty Giấy đã mở rộng hàng loạt kênh bán lẻ tại các huyện vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ nhu cầu cho học sinh tại địa bàn này.

Ông Phạm Tấn Ngời - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Tỷ lệ hàng Việt bán tại siêu thị tăng 55% trong khi hàng ngoại chỉ tăng hơn 20%”.

Tuy thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn, nhưng các nhà quản lý và doanh nghiệp cần phải tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc cũ để người tiêu dùng Việt vui vẻ tìm đến hàng Việt.

Vân Hằng