Loay hoay nội - ngoại

ANTĐ - Thị trường xuất khẩu của một số mặt hàng lại tiếp tục bước vào thời kỳ khó khăn do diễn biến kinh tế thế giới không thuận lợi. Điều này khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam “đói” đơn hàng, lại phải trăn trở tìm kiếm thị trường, làm sao để duy trì sản xuất. Và nhiều doanh nghiệp đã đưa vào thị trường nội địa như các ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trang trí nội thất...

Hồi cuối năm 2008, đầu năm 2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Gợi ý quay trở lại chiếm lĩnh thị trường nội địa được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng hóa, sản phẩm Việt tung hoành rầm rộ trên “sân nhà”, được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận, doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên sau đó, khi kinh tế thế giới khởi sắc, cơ hội sản xuất và gia tăng xuất khẩu lại “ùa” đến. Doanh nghiệp Việt Nam khó cưỡng trước những đơn hàng xuất khẩu khổng lồ, thậm chí chỉ cần gia công và thu lợi nhuận ít ỏi, không cần vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu... Rồi kinh tế thế giới lại lao dốc, không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lại lao đao và tìm đường quay lại “ao nhà”.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt trên sân nhà so với doanh nghiệp nước ngoài tại cùng thị trường này là rất lớn, song có thể vì ngại những đơn hàng sản xuất lẻ tẻ, giá trị không cao nên doanh nghiệp Việt lại bỏ qua cơ hội của chính mình.

Xuất khẩu mở rộng thị trường ra nước ngoài là xu hướng vận động tất yếu trong kinh doanh, nhưng sự vận động đó phải dựa trên một nền tảng vững chắc - là sự ổn định của thị trường nội địa. Thị trường nội địa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ “bấp bênh” nếu bản thân doanh nghiệp chỉ coi đây là thị trường “tạm thời”, thiếu toàn tâm toàn ý đầu tư sản xuất, nghiên cứu những sản phẩm phù hợp với người Việt.