Loạt ngân hàng “khởi động” lại kế hoạch niêm yết trên HOSE

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng như Nam A Bank, Vietbank, ABBank, Bản Việt... đều có kế hoạch chuyển sang giao dịch trên sàn HOSE trong năm nay.

Bốn “gương mặt” mới

Sau một năm hoàn toàn “im hơi, lặng tiếng” do thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực, mùa đại hội cổ đông năm nay, loạt ngân hàng đã khởi động kế hoạch đưa cổ phiếu chuyển sàn niêm yết sang HOSE.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK – mã chứng khoán: ABB), cùng với kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức 10% từ lợi nhuận sau thuế 2021, nâng vốn điều lệ lên trên 10.000 tỷ đồng thì kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE cũng lần nữa được lãnh đạo ngân hàng đưa ra và cổ đông thông qua.

HĐQT ABBANK đã trình cổ đông thông qua kế hoạch chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HOSE khi điều kiện thị trường thuận lợi. Các cổ đông đã ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian thực hiện và thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc chuyển sàn.

Đây là kế hoạch đã được ABBANK đặt ra trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện do thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong năm qua.

Nhà băng này tin tưởng nếu niêm yết trên HOSE sẽ có nhiều cơ hội để huy động vốn và tiếp cận với nhà đầu tư mới, đây cũng là động lực để đạt được các chỉ tiêu tài chính tốt hơn.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank – VBB), kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE cũng đã được cổ đông thông qua.

"Đại hội cổ đông thống nhất tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB của Vietbank tại HOSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi. Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu VBB có ý nghĩa quan trọng, minh bạch, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh" – đại diện Vietbank cho biết.

Ngoài ra, Vietbank cũng dự kiến tăng vốn hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 21%.

Nhiều ngân hàng phải tạm dừng kế hoạch chuyển sàn trong năm 2022

Nhiều ngân hàng phải tạm dừng kế hoạch chuyển sàn trong năm 2022

Một ngân hàng khác cũng có kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán là Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB). Tại ĐHĐCĐ ngân hàng này vừa diễn ra, Ngân hàng Bản Việt đã trình cổ đông thông qua việc chuyển giao dịch cổ phiếu BVB từ UPCoM sang niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông. Cùng với đó là đổi tên viết tắt tiếng Anh thành BVBank để thuận tiện trong việc gọi tên và các hoạt động truyền thông của ngân hàng.

Đối với Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - NAB), các cổ đông ngân hàng cũng đã nhất trí với kế hoạch đăng ký niêm yết cổ phiếu NAB lên sàn HNX hoặc HOSE (tùy điều kiện của thị trường).

Đây cũng là kế hoạch đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua, nhưng sau đó Nam A Bank đã chủ động hoãn lại do bối cảnh môi trường vĩ mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường.

Song song đó, Ngân hàng này cũng đặt kế hoạch mở rộng mạng lưới, thị phần kinh doanh đa quốc gia, thành lập ngân hàng 100% vốn của Nam A Bank hoặc Chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài (dự kiến là khu vực Châu Á).

Kế hoạch kinh doanh thận trọng

Cùng với kế hoạch niêm yết trên HOSE thì điểm chung của các nhà băng là đặt ra kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng trong một năm đầy khó khăn này.

Trong năm 2022, ABBANK đã không đạt được nhiều chỉ tiêu kế hoạch mà cổ đông thông qua với nguyên nhân lớn đến từ phí bảo hiểm không như kỳ vọng.

Theo đó, ABBANK có mục tiêu thu được khoản phí trả trước lớn từ đối tác bảo hiểm. Tuy nhiên, năm vừa qua, ngân hàng lại không lựa chọn được đối tác bảo hiểm để có khoản thu, thậm chí phải trả khoản phí 223 tỷ cho FWD, do đối tác này không đảm bảo được quyền lợi cho ABBank.

Từ yếu tố trên và thêm tác động của các nguyên nhân vĩ mô khác làm sụt giảm lợi nhuận toàn hệ thống ABBank trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm vừa qua của ngân hàng là 1.353 tỷ đồng.

Các cổ đông ngân hàng đã thống nhất với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 2.826 tỷ đồng. Dù tăng 68% so với năm 2022 nhưng đây được cho là con số khiêm tốn trong bối cảnh nền lợi nhuận thấp của năm ngoái.

Tại Nam A Bank, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường, Ngân hàng cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 14,6%; tổng tài sản đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 15,4%; huy động vốn tăng 12,8%; dư nợ cho vay tăng 10,4% so với năm 2022… Ngân hàng này cũng đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ…. nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn.

Đối với Vietbank, trong năm 2022, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 656 tỷ đồng. Ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2023 ở mức 46%, tương ứng đạt 960 tỷ đồng. Tuy con số tăng trưởng cao nhưng mức lợi nhuận mục tiêu cũng này cũng đặt ra trong bối cảnh năm ngoái Vietbank không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm (chỉ hoàn thành 82% kế hoạch năm).

Còn Bản Việt, Ngân hàng cho biết, năm 2023 dự báo nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng nói chung và Bản Việt nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó về định hướng chung, Ngân hàng Bản Việt nhận thấy cần đặc biệt thận trọng trong 6 tháng đầu năm, bám sát diễn biến thị trường để có những chính sách ứng phó linh hoạt.

Do đó, kế hoạch kinh doanh nhà băng cũng thận trọng, với tổng tài sản dự kiến đạt 86.600 tỷ đồng, tăng 10%, huy động vốn đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 16%; dư nợ cấp tín dụng đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, tăng 12% (tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN).

Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 502 tỷ đồng, chỉ tăng tăng 10% so với năm ngoái.