Loanh quanh chọn 3 phương án giá điện

ANTĐ - Trong số 3 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến, có 1 phương án áp dụng cách tính điện một giá là 1.747 đồng/kWh. Hai phương án còn lại vẫn tính giá điện theo bậc thang lũy tiến. Theo các chuyên gia, Việt Nam chưa thể sử dụng chính sách điện một giá.

Loanh quanh chọn 3 phương án giá điện  ảnh 1Ngành điện “bày ra” 3 phương án giá điện để thuyết phục người dân. Ảnh: THUẦN THƯ

Phương án nào có lợi nhất?

Để trả lời thắc mắc này, xin nêu 1 ví dụ cụ thể. Giả sử, trường hợp nhà khách hàng Nguyễn Văn A tiêu thụ hết 426kWh/tháng. Với phương án 1, giữ nguyên 6 bậc hiện hành, mức tiêu thụ nhà ông A được tính: bậc 1: 50kWh đầu tiên với giá 1.484 đồng/kWh, thành tiền là 74.200 đồng. Tương tự, bậc 2 thành tiền 76.650 đồng; bậc 3 là 178.600 đồng; bậc 4 là 224.200 đồng; bậc 5 là 250.300 đồng và bậc 6 là 67.262 đồng. Tổng số tiền điện đã dùng nhà ông A trong tháng đó là 871.210 đồng, chưa tính thuế.

Với phương án một giá 1.747 đồng/kWh, cùng mức tiêu thụ như trên, tiền điện nhà ông A chưa gồm thuế là 744.200 đồng, giảm gần 130.000 đồng/tháng so với cách tính 6 bậc.

Với phương án 3 của EVN, rút từ 6 bậc xuống còn 3 hoặc 4 bậc, EVN chia làm 5 kịch bản. Kịch bản 1: bậc 1 - 50 kWh có giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 là 250kWh có giá 1.763 đồng/kWh; bậc 3 trên 300kWh có giá 2.557 đồng/kWh thì tổng số tiền điện trong tháng nhà ông Nguyễn Văn A là 837.132 đồng, chưa tính thuế. Số tiền phải thanh toán của khách hàng này cao hơn 93.000 đồng so với phương án 2, nhưng vẫn thấp hơn 34.000 đồng/tháng so với phương án 1. Từ ví dụ trên có thể thấy, áp dụng cách tính một giá sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho những khách hàng tiêu thụ lượng điện khá và cao trong tháng. 

Tuy nhiên, cũng dễ dàng tính được nếu áp dụng cách tính này thì những hộ tiêu thụ ít điện sẽ chịu thiệt. Cụ thể, so với việc áp dụng 6 bậc hiện hành, hộ sử dụng dưới 50kWh đầu tiên phải chi thêm 13.150 đồng/tháng; hộ sử dụng từ kWh số 51- 100 sẽ phải chi thêm 23.850 đồng/tháng. Và các hộ sử dụng từ kWh số 101-200 sẽ phải trả thêm 19.950 đồng/tháng.

Ngược lại, các hộ sử dụng từ 300kWh/tháng trở lên sẽ hưởng lợi lên đến cả trăm nghìn đồng/tháng.

Nói cách khác, người giàu sử dụng nhiều điện lại được ưu tiên. EVN cho rằng, ưu điểm của phương án điện một giá là dễ áp dụng, minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ. Nhưng nhược điểm của phương án này là người nghèo, người thu nhập thấp có thể bị tác động; áp lực tiết kiệm điện cũng không cao bằng áp dụng giá điện bậc thang.

Bậc thang giá điện vẫn ưu việt

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) cho rằng: “Giá điện bậc thang vẫn là ưu việt, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam hiện nay”. Theo ông Phạm Minh Thụy, tại Việt Nam, cung điện mới vừa cân bằng với cầu nên biểu giá bậc thang sẽ khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Mặt khác, trong thị trường điện cạnh tranh, nếu tổng nhu cầu sử dụng điện thấp thì giá điện bậc thang cũng phù hợp. Việc áp giá điện bậc thang cũng không mâu thuẫn với quy luật thị trường là hàng hóa dùng càng nhiều, giá phải càng rẻ, bởi quy luật này chỉ đúng trong trường hợp cung đã vượt cầu, nhưng với mặt hàng điện thì ngược lại.

“Mùa hè vừa rồi, một số khu vực bị cắt điện. Tôi biết nhiều hộ gia đình có 4-5 điều hòa, sẵn sàng chạy máy phát để có điện, chi phí rơi vào khoảng 15.000 đồng/kWh. Vì vậy, nếu có “nhà đèn” đưa ra mức giá 10.000 đồng/kWh trong lúc này, miễn là đảm bảo có điện thì các hộ vẫn vui vẻ sử dụng. Vì vậy, cần có biện pháp khuyến khích tiết kiệm điện với các hộ tiêu dùng nhiều. Không thể lấy tiền người khó khăn hơn để bù cho người có điều kiện tốt hơn” - ông Phạm Minh Thụy nói.

Trong 3 phương án của EVN, vị chuyên gia này lựa chọn phương 3, tức là rút bớt bậc thang, trong đó bậc 1 là 100 kWh đầu tiên, bậc 2 là khoảng 200 kWh tiếp theo vì đời sống nhân dân đã được cải thiện hơn, mức tiêu thụ điện cũng tăng lên. Hiện nay, Việt Nam chưa thể áp dụng đồng giá điện vì những mặt hàng cung vượt cầu, dự phòng đến 30% thì mới nên áp dụng chính sách một giá.

Cùng quan điểm, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, biểu giá bán lẻ điện nên rút từ 6 bậc xuống 3 bậc, nhưng nếu mỗi bậc khoảng cách quá xa và chênh lệch với giá bình quân quá lớn thì vẫn thiệt hại cho người tiêu dùng. Ví dụ, dưới 100 kWh giá 80% so với giá bình quân nhưng từ 101-300 kWh (bậc thang người dân hay sử dụng) nếu tính giá gấp 1,3 lần giá bình quân thì người tiêu dùng vẫn thiệt. Hệ số từng bậc gần sát với giá bình quân thì người tiêu dùng mới được hưởng lợi. Ngược lại, nếu hệ số các bậc xa giá bình quân thì chỉ “nhà đèn” hưởng lợi.