Loạn tin đồn và sự mong manh của thị trường tài chính

ANTĐ - Thị trường tài chính Việt Nam đã có một đợt chao đảo chỉ bởi một làn sóng tin đồn. Chiều 21-2-2013, sau một loạt tin đồn: Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư, một ngân hàng có sức mạnh tài chính đứng thứ 2 tại Việt Nam bị bắt, cùng với nó là tin Chính phủ sẽ phá giá ngoại tệ 4%, giá xăng sẽ tăng 6%... hàng loạt các rối loạn đã xảy ra. 

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ sau 2 giờ đồng hồ, chỉ số VN-Index mất 18 điểm, đóng cửa tại ngưỡng 477 điểm và chỉ số HNX-Index giảm 3,55 điểm, đóng cửa tại ngưỡng 63,45 điểm. Số điểm bị mất của chỉ số VN-Index tính theo cả tỉ lệ lẫn điểm tuyệt đối lên mức cao nhất đúng sáu tháng kể từ ngày 21-8-2012. Giá ngoại tệ đột ngột tăng, đặc biệt là USD tăng thêm 100 đồng/USD, giá vàng tăng mạnh, một cơn sốt nhỏ đã xảy ra, lãi suất liên ngân hàng tăng vọt mức kỷ lục. Tất cả chỉ diễn ra trong một buổi chiều, đến sáng ngày 22-2-2013 khi tất cả các cơ quan liên quan phủ nhận tin đồn, nhất là khi Bộ Công an có quyết định lập ban chuyên án điều tra nguồn gốc tin đồn, mọi việc đã trở lại bình thường. Nhưng hậu quả của sự chao đảo này còn lâu mới khắc phục được.

Ảnh: internet

Sự mong manh của thị trường chứng khoán

Không thể phủ nhận TTCK là phong vũ biểu của cả nền kinh tế, nó phản ứng cực nhanh với mọi biến động, cả xấu cả tốt, cả chính thức lẫn tin đồn. Nhưng phản ứng với những tin đồn như TTCK Việt Nam thì hơi hiếm. Đây không phải lần đầu thị trường tỏ ra "dễ vỡ" trước những thông tin thất thiệt kiểu này.

Mô tuýp phổ biến của những tin đồn này thường nhắm vào các VIP là lãnh đạo ngân hàng, công ty niêm yết lớn trên sàn chứng khoán vì theo lý giải của một số chuyên gia, đây là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường. Cách đây vài tháng, một số lãnh đạo  tại một số ngân hàng khác cũng dính phải các tin đồn như bị bắt, bị quản thúc hay triệu tập điều tra... Ngay sau đó là những phiên lao dốc của một số mã blue-chip trên sàn chứng khoán cùng những sóng gió thanh khoản ập đến các ngân hàng. Một lãnh đạo ngân hàng ở phía Nam và cũng là nạn nhân của tin đồn thừa nhận, mục đích của những kẻ phao tin là làm thị trường nhiễu loạn, nhà đầu tư hoang mang và thi nhau bán cổ phiếu tháo chạy. Do nhóm người thao túng chứng khoán muốn mua cổ phiếu giá thấp nên tạo ra tin đó.

Với hành vi thao túng giá, những kẻ đầu cơ có cơ thể trục lợi tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng sau mỗi phi vụ khi thị trường "loạn". Nhưng nguyên nhân chính theo các chuyên gia chứng khoán, ngân hàng vẫn là do thị trường Việt Nam đang bị dẫn dắt quá nhiều bởi tin đồn và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu ớt. Một chuyên gia nói thẳng: "Trong một thị trường tài chính còn non trẻ, mong manh và dễ tổn thương như Việt Nam thì các hành vi thao túng và trục lợi này càng dễ thực hiện".

Đồng quan điểm, theo ông Alan Phan - nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong cho rằng ở một thị trường thiếu minh bạch thì việc tạo tin đồn rất dễ. "Ở Mỹ, tin đồn sau khi được tung ra khoảng 10 phút đến nửa tiếng đã có Chủ tịch, tổng giám đốc các công ty hay cơ quan chức năng xuất hiện và lên tiếng phủ nhận ngay", ông Alan Phan dẫn chứng.

Ai được lợi và ai bị thiệt hại? 

Qua đợt sóng lớn này, phân tích lợi hại cho các đối tượng, chúng ta có thể nhìn rõ sự thiếu thống nhất khi đối phó với những biến động tiêu cực của thị trường tài chính. Ngay khi xuất hiện tin đồn, lẽ ra UBCKNN phải sớm xác minh để ra thông báo làm yên lòng nhà đầu tư, nhưng phải đợi đến cuối buổi chiều, khi thảm họa đã diễn ra, nạn nhân của tin đồn là Ngân hàng Đầu tư lên tiếng phản đối thì sau đó UBCKNN mới có văn bản chính thức phủ nhận tin đồn và yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong khi chưa có sự phủ nhận chính thức thì chính các ngân hàng đã có những phản ứng thị trường làm nặng nề thêm sự khủng hoảng. Đó là việc đột ngột nâng giá ngoại tệ. Sáng ngày 21-2-2013 tại các ngân hàng giá USD đang niêm yết khoảng 20.920 đồng/USD thì đến đầu giờ chiều giá USD niêm yết đã tăng trung bình 100 đồng/USD, trong đó chính Ngân hàng Đầu tư có mức tăng cao nhất tới 21.036 đồng/USD. Và chỉ một ngày sau phần lớn các ngân hàng đã đưa giá bán đô la Mỹ về dưới 20.940 đồng/USD, tức giảm 96 đồng/USD so với hôm qua. 

Theo các số liệu được công bố, sự kiện tin đồn ngày 21-2-2012 làm giảm vốn hóa TTCK mất khoảng 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên kể từ đầu năm 2013 nền kinh tế không có dấu hiệu khởi sắc nhưng do biến động tăng, lượng vốn hóa TTCK đã tăng hàng chục tỷ USD vì vậy, lượng giảm này chỉ giống một sự điều chỉnh hợp lý, không thể coi đó là sự biến mất hay thiệt hại được. Người thiệt hại nhất trong thảm họa này là các nhà đầu tư chứng khoán nhỏ. Với một lượng tiền hạn chế, thấy sóng lớn, các nhà đầu tư nhỏ trong hơn một tháng qua đã lao vào TTCK. Do vốn nhỏ, các nhà đầu tư đã sử dụng triệt để các công cụ tài chính, nói theo nghĩa đen là tích cực vay tiền để tham gia thị trường. Đặc biệt, để hỗ trợ thị trường, UBCKNN đã cho phép nới rộng biên độ vay, càng khuyến khích các nhà đầu tư nhỏ vay tiền vào cuộc. Vì vậy khi có tin đồn và có những biến động, các nhà đầu tư nhỏ vội vàng bán cổ phiếu với mọi giá để cắt lỗ, để bảo toàn vốn, tạo ra cơn bão hạ giá cổ phiếu.   Khi tin xấu được tung đi, các nhà đầu tư tá hỏa và phản ứng thông thường là bán cổ phiếu, bán tài sản đang nắm giữ hoặc đi rút tiền gửi dù biết sẽ bị lỗ nặng. Nhà đầu tư lúc đó giống như một bầy chuột khi thấy đèn bật sáng một cái vội lo chạy trốn tứ phía dù chưa cần biết chuyện gì đang xảy ra. Một số nhà đầu tư đã “méo mặt” vì trót mua khi CP chạm đỉnh trong phiên và cuối phiên không thể thoát được hàng khi CP xuống sàn và dư bán la liệt. Chiếu theo biên độ sàn HNX thì tỉ lệ này tổng cộng là 20% và trên sàn HSX là 14%.

Vậy ai được lợi? Đó chính là những “tay to”, những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư ngoại và những kẻ đạo diễn cho chiến dịch tin đồn. Chờ đến khi giá các cổ phiếu chạm sàn, họ tích cực mua vào đẩy giá trị thanh khoản trong 2 ngày 21 và 22-2-2013 tăng vọt lên gần 5.000 tỷ đồng. Tiền từ các nhà đầu tư nhỏ đã rơi vào các con bạch tuộc lớn. Theo đánh giá của chính nạn nhân, ông Trần Bắc Hà, trong thảm họa ngày 21-2-2013, những kẻ trục lợi đã có thể kiếm được 600- 700 tỷ đồng. Chính UBCKNN cũng khẳng định điều này khi đề nghị điều tra các giao dịch trong ngày 21-2-2013 và 4 mã cổ phiếu có giấu hiệu làm giá.

Nhưng thiệt hại hơn cả chính là niềm tin vào một thị trường tài chính vững mạnh của đất nước, làm giảm ý chí của các nhà đầu tư không phải chỉ trong TTCK. Thiệt hại này vô cùng lớn và không đo đếm được.

Những bài học cần thiết

Không ngẫu nhiên, tin đồn này được tung ra khi mà thị trường đang hoang mang trước… tin đồn phá giá VND. Nhìn nhận các tin đồn xuất hiện trong 2 năm qua, cho thấy nó bao hàm cả 2 bộ mặt: Những tin bí mật được rỉ tai, sau đó thành sự thật. Và bộ mặt thứ hai là những tin vịt hoàn toàn, được tung ra nhằm trục lợi, hạ bệ, bôi nhọ. Nhưng bộ mặt nào thì tin đồn cũng là chỉ dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của thị trường, hậu quả của sự bất minh và sự lung lay dữ dội của niềm tin. 

Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, cũng không phải là việc “công an vào cuộc”, mà phải là sự công khai, minh bạch và nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi suy cho cùng, nạn nhân của tin đồn không phải là các “đại gia nạn nhân” mà chính là nhân dân, những người lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm với mấy đồng tiền nhỏ nhoi vì mù tịt thông tin.