Loạn thị trường thuốc bảo vệ thực vật

ANTĐ -Trong khi cây chè có khoảng hơn 350 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đăng ký sử dụng thì một số cây rau ăn hàng ngày lại không có thuốc để trừ sâu, trừ bệnh khi cần, khiến nhiều hộ cá thể liều lĩnh dùng lẫn lộn tràn lan.

Việt Nam thuộc top “lạm dụng” sử dụng thuốc BVTV

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong nông nghiệp gồm 1.710 hoạt chất, trong đó có 775 hoạt chất thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm, 50 hoạt chất thuốc điều hòa sinh trưởng với 142 tên thương phẩm…

Ngoài ra, Bộ này ra thông báo về việc tạm dừng đăng ký một số loại thuốc BVTV. Cụ thể, đơn vị này sẽ tạm dừng cấp giấy phép khảo nghiệm, đăng ký thuốc BVTV có chứa một trong các hoạt chất: Glyphosate, Diazinon, Malathion, Tetrachlorvinphos đến hết năm nay.

Với tình hình thuốc BVTV hiện nay thì người nông dân, thậm chí là các cán bộ kỹ thuật của các hợp tác xã lớn, nhiều khi cũng khó lựa chọn được loại thuốc BVTV mình cần.

Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, mỗi năm Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn thuốc BVTV. Tuy nhiên, lượng thuốc nhập khẩu này chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, sau đó về nước các doanh nghiệp mới pha chế, sang chiết và đóng gói bán ra thị trường.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam mất ít nhất nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc, trong đó năm 2014, Việt Nam chi 411 triệu USD, năm 2015 là 376 triệu USD, và 5 tháng đầu năm 2016 đã chi 140 triệu USD.

Song ông Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học BVTV Việt Nam cho rằng, số lượng 100.000 tấn nguyên liệu, hóa chất BVTV nhập khẩu vào Việt Nam chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Thực tế, lượng thuốc trừ sâu từ Trung Quốc được tuồn vào thị trường nội địa còn lớn gấp nhiều lần, thông qua con đường không chính ngạch.

Thực trạng này tồn tại dai dẳng nhưng đến nay vẫn chưa thể dẹp bỏ dù năm nào Bộ NN&PTNT cũng có công điện yêu cầu các tỉnh khu vực biên giới siết chặt hoạt động buôn lậu phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm.

Trong khi các nước đã dần chuyển sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, giảm tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu thì Việt Nam vẫn nằm trong top những quốc gia sử dụng thuốc BVTV nhiều và khó kiểm soát.

Ông Trần Quang Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam thông tin, hiện cả nước có hơn 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, 97 nhà máy chế biến với hơn 20.000 đại lý khắp cả nước, nhưng gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm chúng ta vẫn phải nhập của nước ngoài (chủ yếu là của Trung Quốc).

Một số doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn bày tỏ, nông nghiệp vốn là lĩnh vực lợi nhuận thấp nhưng tính rủi ro lại cao, trong khi đó, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc khi sử dụng thuốc BVTV.

Nhiều mà vẫn “thiếu”

Có thể thấy, thị trường thuốc BVTV trong nước hiện đang “loạn” với danh mục hoạt chất được sử dụng quá dài và quá nhiều các loại thuốc với những tên thương phẩm khác nhau. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu của nông dân đã và đang gây ra những hệ lụy đối với rau, củ quả sản xuất trong nước.

Tình trạng “loạn” thuốc trừ sâu mới đây cũng được Tổng cục An ninh (Bộ Công an) lên tiếng với Bộ NN&PTNT. Theo đó, đại diện Tổng cục An ninh nhìn nhận, hiện tình hình mua bán và sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất đang diễn ra hết sức phức tạp. Công tác quản lý sử dụng các loại thuốc này còn nhiều bất cập yếu kém, dẫn đến tình trạng mất ATTP, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả...) của Việt Nam.

Một số doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn bày tỏ, nông nghiệp vốn là lĩnh vực lợi nhuận thấp nhưng tính rủi ro lại cao, trong khi đó, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc khi sử dụng thuốc BVTV trong gieo trồng các loại rau, quả.

Có những loại cây trồng thì danh mục thuốc được phép sử dụng dài lê thê, những có những loại cây trồng không có thuốc để sử dụng khi có sâu bệnh. Đơn cử như cây chè, hiện có khoảng hơn 350 loại thuốc đăng ký sử dụng trên loại cây này, nhưng một số cây rau như rau muống, rau ngót, mồng tơi... là những loại rau thông dụng hàng ngày lại không có thuốc để trừ sâu, trừ bệnh khi cần.

Trái khoáy là gần như không có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV nào đăng ký các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh trên các loại cây rau, củ này. Hay, các loại thuốc BVTV để xử lý đất trước khi gieo trồng rau, hiện theo tìm hiểu cũng không có loại thuốc nào “đặc dụng”, hay như thuốc để xử lý hạt giống nhau cũng không có, nhưng hiện vẫn được sử dụng tràn lan mà không theo quy định nào.

Doanh nghiệp muốn làm đúng phải chấp nhận thiệt hại để sâu, bệnh tấn công rau, củ, nhưng nếu “cố tình” sử dụng những loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh dành cho cây trồng khác để xử lý thì lại thành vi phạm.

Để tháo gỡ cho doanh nghiệp, nông dân, vì một nền nông nghiệp sạch, Tổng cục An ninh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn chi tiết cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn và bà con nông dân nắm rõ, thực hiện theo các quy định, quy trình sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất nhăm đạt hiệu quả cao, có các sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Đồng thời, trao đổi với Tổng cục An ninh để theo dõi và hướng dẫn Công an các địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong ngành nông nghiệp kiểm tra, đánh giá hiệu quả theo chức năng.