“Loạn” sách tham khảo tiếng Anh

ANTĐ - Trong xu thế hội nhập, tiếng Anh ngày càng phổ biến. Cũng bởi lẽ đó, sách tiếng Anh tham khảo xuất bản tràn lan khiến bất cứ ai đều cảm thấy đau đầu khi chọn mua…

Người có nhu cầu học ngoại ngữ khá đau đầu khi chọn giáo trình tiếng Anh (ảnh minh họa)


Lúng túng khi chọn sách tiếng Anh

Chị Phương Thanh, có con đang học lớp 4 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình phân trần: “Ngoài giáo trình bắt buộc, phụ huynh học sinh còn được nhà trường thông báo mua thêm một số cuốn sách tiếng Anh tham khảo. Con tôi đang theo chương trình tiếng Anh tăng cường tại trường theo chuẩn quốc tế. Chỉ có mỗi môn tiếng Anh mà tới 8 cuốn sách thì không biết cháu học thế nào, vì còn rất nhiều môn học khác. Tôi không định mua, nhưng do nhà trường đưa vào chương trình giảng dạy nên nếu không có sách, cháu không theo kịp các bạn trong lớp được. Tôi biết con học theo chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ nặng hơn lớp thông thường, nhưng không nghĩ phải học nhiều loại sách đến thế. Tôi chọn mua mãi mà chưa tìm được loại sách ưng ý và cần thiết cho lứa tuổi của cháu". Giống như chị Thanh, không ít phụ huynh cũng tỏ ra lo ngại vì với số lượng tài liệu học tiếng Anh quá nhiều như hiện nay liệu các em có thể theo hết chương trình học, thay vì tập trung kiến thức trong một hay hai quyển sách căn bản.

Chị Vũ Thu, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng than phiền: “Vẫn biết tiếng Anh là một môn học cần thiết trong nhu cầu hội nhập hiện nay, nhưng do lượng sách tham khảo dành cho các cháu lớp tiểu học ngày càng phong phú nên tôi không biết phải chọn quyển nào phù hợp với nội dung và chương trình học của con mình…”. Theo ông John Hark, người Anh - Giảng viên một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội: “Mặc dù ở nước tôi việc học ngoại ngữ là môn học bắt buộc nhưng không đặt nặng tiết học và giáo trình cho học sinh. Trung bình để học môn ngoại ngữ, mỗi em chỉ có 2 quyển giáo trình để học trên lớp và học ở nhà. Riêng sách học ở nhà đã bao gồm các dạng bài tập, người học chỉ cần làm đủ các bài tập trong đó là có thể có một vốn ngoại ngữ tương đối hoàn chỉnh mà không cần dùng đến sách tham khảo. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy học sinh Việt Nam học ngoại ngữ lại phải tham khảo quá nhiều loại sách, dễ khiến các em bị “loạn” bởi không biết tin vào nguồn sách nào”.

“Mê hồn trận” giáo trình ngoại ngữ

Hiện nay, tại nhiều trung tâm ngoại ngữ, kèm theo mức học phí phải trả, mỗi học viên đều phải trang bị thêm các loại sách, giáo trình và băng luyện nghe. “Sau khi đóng tiền học phí, em phải trả gần 100.00 đồng cho 2 cuốn sách photo, kèm theo 2 băng cassette. Tuy vậy, sau khóa học 2 tháng, em chưa bao giờ nghe hết băng, thậm chí, sách photo về vứt xó”, bạn Hồng Anh, nhân viên kế toán cho hay. Tình trạng mỗi nơi áp dụng một loại giáo trình khác nhau, không tuân theo quy định cụ thể, thậm chí còn tự soạn cho mình một hệ thống giáo trình riêng là tình trạng khá phổ biến ở hầu hết các trung tâm ngoại ngữ. Đơn cử, giáo trình New Interchange là một loại giáo trình căn bản nhất cho những ai có nhu cầu học tiếng Anh thì ở trung tâm khác, giáo trình International Express lại là một tài liệu chuẩn để học tiếng Anh… Và hiển nhiên, giữa “rừng” tài liệu mà loại nào cũng “mười phân vẹn mười” thì những người có nhu cầu học tiếng Anh rất khó có thể quyết định nên chọn loại nào cho phù hợp.

Bạn Lương Nguyệt Ánh, sinh viên trường Đại học Hà Nội tâm sự : “Hiện nay giáo trình dành cho tiếng Anh nhiều vô kể nên em cảm thấy rất khó khăn trong việc chọn loại nào phù hợp với mình. Theo em giáo trình quyết định 50% kết quả học tiếng Anh của mỗi người, bởi thông thường khi biên soạn giáo trình, những người biên soạn phải tìm ra cách học căn bản, dễ hiểu và có tính hệ thống. Có như vậy, người học mới nắm vững kiến thức và không bị mất thời gian khi học một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, mỗi trung tâm đưa ra một giáo trình khác nhau nên em không biết đâu là giáo trình đúng nhất có thể giúp mình học tốt…”. Chính vì thế nhiều bạn đã chọn cách tự học và tìm ra phương pháp học cho riêng mình và chỉ mua những loại sách mà họ cho là cần thiết.

Thiết nghĩ các cơ quan quản lý nên kiểm tra chất lượng giáo trình tiếng Anh và có khuyến cáo đến người học loại sách nào là cần thiết để tránh tình trạng “loạn” sách tham khảo cũng như giáo trình tiếng Anh như hiện nay.