Loạn hướng dẫn viên nước ngoài hành nghề chui

ANTĐ - Luật Du lịch quy định điều kiện hành nghề, tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV) nội địa và quốc tế  khi hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành, bắt buộc phải có quốc tịch và thường trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại Hà Nội và một số địa phương đã xuất hiện tình trạng HDV du lịch “chui” là người nước ngoài.

Khách quốc tế tham quan khu di tích Văn Miếu, Hà Nội

Hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”

Những HDV du lịch “chui” này chủ yếu là nhân viên của các công ty du lịch nước ngoài đi theo các đoàn khách đến Việt Nam. Công việc của họ là phục vụ du khách từ đặt tour, dẫn đoàn, đặt nhà hàng, thuê xe và thuyết minh về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Những địa điểm ẩm thực, nghỉ dưỡng như nhà hàng, khách sạn... mà những HDV này chọn lựa đều là các cơ sở cung cấp dịch vụ của chính quốc gia đó tại các nước có địa điểm du lịch, trong đó chủ yếu tập trung khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... và một số thị trường có ngôn ngữ không phổ biến. Đơn cử, năm 2013, cả nước đón gần 300.000 lượt khách Nga, trong đó riêng Khánh Hòa đã đón 150.000 lượt khách. Tuy nhiên, cả tỉnh này chỉ có 70 HDV người Việt nói tiếng Nga được cấp thẻ, số còn lại phần lớn do người Nga đang sinh sống tại Việt Nam tự liên hệ với các công ty du lịch tại Nga tổ chức tour cho khách du lịch Nga đến Việt Nam. 

Bà Phạm Minh Thuý - Giám đốc công ty du lịch SaPa thừa nhận, nhiều HDV phàn nàn, trong quá trình dẫn khách đến các điểm du lịch họ bắt gặp không ít HDV người nước ngoài thuyết minh cho khách bằng ngôn ngữ của chính đất nước họ nên khó mà biết HDV đang nói gì. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công việc của những HDV du lịch trong nước mà quan trọng hơn là rất khó kiểm soát những nội dung văn hóa và lịch sử Việt Nam khi những HDV du lịch “chui” này truyền tải đến du khách. Cũng theo bà Thuý, theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài không được làm HDV trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng thực tế có không ít HDV nước ngoài vẫn hoạt động tại các điểm đến trong nước. 

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo Tổng cục Du lịch, trong 2 tháng đầu năm 2014, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nắm tình hình hoạt động du lịch tại các địa bàn trọng điểm trên toàn quốc, Tổng cục đã phát hiện nhiều đoàn khách nước ngoài khi tham quan các khu, điểm du lịch không sử dụng HDV du lịch trong nước, hoặc sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ. Đây là hiện tượng vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước về du lịch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ, hình ảnh du lịch Việt Nam.

Vì thế, Tổng cục Du lịch yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với địa bàn các tỉnh thiếu hướng dẫn viên du lịch tiếng hiếm, Tổng cục yêu cầu các Sở quản lý du lịch hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng HDV du lịch quốc tế nói tiếng Anh để giới thiệu cho khách. Các doanh nghiệp lữ hành quốc tế  sử dụng HDV du lịch quốc tế sẽ bị xử lý nghiêm, tùy vào mức độ vi phạm có thể xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của HDV trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường du lịch của Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển nhưng cung- cầu lại thiếu cân đối, khiến đội ngũ HDV chưa đáp ứng được đủ nhân lực. Những người có nghiệp vụ du lịch được đào tạo bài bản thì không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, ngược lại, những người có ngoại ngữ thì không được đào tạo về nghiệp vụ du lịch nên theo quy định của Luật Du lịch sẽ không được cấp thẻ hành nghề.

Để chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình trạng HDV du lịch “chui” thì giải pháp duy nhất chính là cung cấp đủ HDV cho các thị trường khách quốc tế. Tuy vậy, đây vẫn đang được coi là bài toán khó của ngành Du lịch Việt Nam.