Loạn giá thiết bị y tế, đâu là sự thật?

ANTD.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo chí phản ánh liên quan đến việc phát hiện lãng phí trong mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh cùng tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra nhức nhối. 

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra nhiều lãng phí lớn trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh tại rất nhiều bệnh viện và Sở Y tế trên toàn quốc với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. 

Nhiều người giật mình trước con số thống kê, tại 11 tỉnh, thành phố được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra có tới 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng. Trong đó, hàng trăm trang thiết bị hỏng không khắc phục được, hàng trăm các thiết bị khác dù hỏng hóc nhưng chưa được sửa chữa và nhiều thiết bị hỏng khi chưa hoặc ít sử dụng.

Đáng lẽ việc đầu tư một thiết bị máy móc hiện đại dành cho công tác khám chữa bệnh phải được các bệnh viện nghiên cứu kỹ càng, mua để làm gì và cán bộ của bệnh viện có đủ trình độ để điều khiển, sử dụng hay không? Nhưng thực tế thì thiết bị mua về rồi bỏ không, có thể nói đây là một sự lãng phí khủng khiếp. 

Bên cạnh tình trạng đầu tư lãng phí nêu trên, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện tình trạng loạn giá trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế tại hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh. Giá vật tư, thiết bị được các bệnh viện phê duyệt trong kế hoạch hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp.

Đáng chú ý là có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất, có loại vật tư mà chênh lệch tới gần 7 lần. Việc chênh lệch trong đấu thầu là chuyện bình thường, có thể do số lượng khác nhau hay do vị trí địa lý, địa bàn hoạt động của nhà cung cấp… tuy nhiên mức chênh lệch quá lớn là điều vô lý, khó chấp nhận.

Câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan tới đâu? Có hay không tiêu cực, nhóm lợi ích trong việc mua sắm thiết bị y tế? Những vấn đề nêu trên cần phải được làm rõ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm nếu có, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách đang hết sức căng thẳng. 

Trong khi đó, việc trục lợi quỹ bảo hiểm y tế khiến người dân, dư luận và đặc biệt là những người bệnh, thân nhân của bệnh nhân đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật không khỏi bức xúc. Bức xúc cũng là điều dễ hiểu bởi quyền lợi của những người tham gia bảo hiểm một cách chân chính đang bị xâm phạm. 

Thông tin mới đây được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp cho thấy, qua gần 1 năm thực hiện giám định bảo hiểm y tế điện tử đã phát hiện rất nhiều “chiêu trò” lạm dụng. Nhiều người ngạc nhiên trước thông tin có bệnh nhân đi khám hàng trăm lần mỗi năm, hay có bệnh nhân được cấp hàng trăm viên thuốc đủ loại trong một ngày, rồi bệnh viện “chia nhỏ” bệnh nhân để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật giúp tăng chi phí bảo hiểm chi trả… 

Tình trạng này diễn ra khi nguồn quỹ bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn, do không thể tăng mức đóng, trong khi giá dịch vụ y tế liên tục được điều chỉnh tăng. Việc các cơ sở khám chữa bệnh đang đua nhau tạo nên những “kỷ lục” về số lượt khám bệnh trong một ngày, rút ngắn thời gian quy định thực hiện dịch vụ kỹ thuật, không trang bị đủ tiện nghi đã được tính vào giá phòng điều trị nội trú… thì thiệt thòi không ai khác chính là những người bệnh tham gia bảo hiểm y tế. Những  người dân đang mong lắm, mọi việc này cần phải được làm sáng tỏ.