Loại vũ khí nào có thể bắn hạ máy bay MH17?

ANTĐ - Những loại vũ khí nào có thể bắn hạ được một máy bay phản lực chở đầy hành khách đang bay ở độ cao gần 10.000m (33.000 feet)? Đó đang là một câu hỏi quan trọng trong công tác điều tra vụ tai nạn máy bay Malaysia Airlines MH17 xảy ra hôm 17/8 ở miền đông Ukraine.

CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Một hệ thống radar quan sát thấy hệ thống tên lửa đất đối không Buk đang theo dõi một chiếc máy bay ngay trước khi nó rơi xuống” và “Một hệ thống khác đã nhìn thấy điểm nhiệt phát sáng tại thời điểm máy bay bị bắn trúng. Mỹ đang phân tích quỹ đạo của tên lửa để xác định các cuộc tấn công đến từ đâu”.

Cố vấn Bộ Nội vụ của Ukraine, ông Anton Gerashchenko cũng viết rõ trên Facebook cá nhân rằng "những kẻ khủng bố" đã bắn máy bay bằng hệ thống tên lửa phòng không Buk. Đồng thời, một quan chức Ukraine đã nói với phóng viên CNN hôm 17/8 rằng lực lượng ly khai tuyên bố đã bắn một máy bay khác cùng khoảng thời gian MH17 bị tai nạn.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk có uy lực rất mạnh.
Chiếc máy bay MH17 nghi là bị bắn hạ bằng hệ thống tên lửa này.

Trước những nghi ngờ đang đặt ra về một hệ thống tên lửa đất đối không tầm cao đã bắn hạ máy bay Malaysia, CNN đã đưa ra những phân tích, nhận định của các chuyên gia quân sự Mỹ về các loại vũ khí có thể bắn hạ, nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn những nghi vấn xung quanh vụ việc, xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong sự cố thảm khốc thứ hai của ngành hàng không Malaysia. 

Trước tiên, tên lửa vác vai của lực lượng ly khai thân Nga đã được loại trừ. Chuyên gia phân tích quân sự Rick Francona, một trung tá nghỉ hưu của không quân Mỹ, cho biết, những loại tên lửa này uy lực nhất cũng chỉ có khả năng hạ mục tiêu đến độ cao 5000m. Trong khi đó, chiếc máy bay Malaysia Airlines gặp nạn khi đang di chuyển ở độ cao gấp đôi.

Hệ thống tên lửa đang nằm trong diện đang nghi ngờ nhất là hệ thống Buk (NATO gọi là SA-11) do Liên Xô nghiên cứu, chế tạo. Đây là loại vũ khí khá phổ dụng trong quân đội Nga và Ukraine. Tất cả các loại tên lửa của hệ thống này đều có khả năng bắn hạ mục tiêu ở độ cao trên 10.000 m. Loại tên lửa cũ nhất có thể trang bị cho hệ thống Buk là 3M9. Nó ra đời năm 1966, với khả năng bắn hạ mục tiêu bay ở độ cao 800 m tới 11.000 m.

Một khả năng khác không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia là S-200 mà quân đội Ukraine đang sử dụng. Đây là loại tên lửa phòng không tầm ngắn, độ cao trung bình, ra đời từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Chúng có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 300 km với độ cao tối đa lên tới 40.000 m.

Hệ thống phòng không S-300 và S-400 của Nga cũng nằm trong diện nghi ngờ. Đây là hai loại tên lửa phòng không uy lực hàng đầu thế giới, tương đương với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. "Tuy nhiên, những vũ khí này rất khó sử dụng vì rất phức tạp, lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine gần như không thể dùng nó để bắn hạ máy bay Malaysia", Kevin Ryan, một vị tướng về hưu của quân đội Mỹ nhận định.

Ông cũng nói thêm: “Đây không phải loại vũ khí mà ai cũng có thể sử dụng. Binh sĩ cần trải qua quá trình đào tạo lâu dài và phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn mới có thể dùng hệ thống này để bắn hạ một vật thể nào đó”. Ông Ryan kết luận, nếu chiếc máy bay chở khách của Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi loại tên lửa này, đằng sau nó phải là một lực lượng quân đội chuyên nghiệp.

Dan Wasserbly, biên tập viên tạp chí quốc phòng HIS Jane's, cho biết, thông thường một hệ thống tên lửa đất đối không bao gồm một xe chỉ huy, một xe mang thiết bị radar, xe tải, xe mang tên lửa và hệ thống xe nạp tên lửa mới khi cần thiết. Chúng là hệ thống phức tạp và không dễ vận hành nếu chưa được đào tạo.