Loài nhân sâm quý thứ 20 trên thế giới và những "ngón nghề" siêu lừa đảo tại TP.HCM

ANTĐ - Sáng ngày 28-9-2013, trên vỉa hè phố Phạm Ngũ Lão (TP Hồ Chí Minh)  xuất hiện một nhóm 3 người gồm một phụ nữ và hai nam giới, trong đó có một người mặc áo thổ cẩm kiểu Tây Nguyên. Họ ngồi trên ghế đá như ngóng chờ người nào đó. 

Những kịch bản lừa đảo

Thấy một ông khách có vẻ là khách du lịch, một người đứng dậy níu tay ông khách, nói bằng thứ giọng ngọng ngịu: Mình ở trên cao nguyên về, có việc muốn nhờ anh chút. Thấy khách có vẻ chú ý, người nọ kéo ông khách ra chỗ ghế đá: Mấy ngày nay mưa trên cao nguyên dữ lắm, đất trôi lộ ra nhiều sâm Ngọc Linh lắm, mình mang một ít xuống đây bán mà không biết nơi, lại sợ bị lừa. Nhờ anh xem giúp. Hai người đàn bà đeo khẩu trang che kín mặt giở cái túi cói, trong đó có một mớ củ còn nguyên cả rễ cùng mấy khẩu thân cây. Đã xem hình nhiều, thấy có vẻ đúng sâm Ngọc Linh, người khách cắm cúi xem. Người đàn bà lại mó trong túi ra một tấm hình cắt trên một tạp chí y học có chụp một bụi sâm Ngọc Linh cho ông khách so sánh. Cẩn thận hơn, người đàn ông mặc áo thổ cẩm cấu một miếng vỏ củ đưa cho ông khách: Anh cứ nhấm một chút là biết. Sâm Ngọc Linh nó thơm và ngọt mát. Nhìn thấy sự lạ, mấy anh bảo vệ công viên liền tiến lại. Mấy người đàn bà vội vàng cho hết mớ củ vào giỏ, bỏ đi, mặc cho ông khách ngơ ngác. Đến lúc đó mấy người đang tập thể dục trong vườn hoa mới cho ông khách biết, đây là băng bán sâm Ngọc Linh giả. Suýt nữa ông khách từ Hà Nội mất chục triệu để mua mớ củ hoang.

Cũng trong tháng 9-2013 với kịch bản lừa, bọn bán sâm Ngọc Linh giả đã đưa ông Trần Văn Sinh ở Vĩnh Long đi bệnh viện với cái mặt sưng vù, hai môi nở to như hai múi bưởi, sau khi ngậm hai lát sâm được biến từ củ ráy Tàu. Câu chuyện của ông cũng khá thú vị. Trên đường từ TP Hồ Chí Minh về, ông làm quen được với một cô gái xinh đẹp ăn mặc sành điệu. Cô giới thiệu cô là thư ký của Tổng giám đốc doanh nghiệp đang thi công một công trình giao thông lớn ở Vĩnh Long. Cô còn hứa giúp ông nhận một gói thầu phụ san lấp… Đến chỗ nghỉ giải lao tại trạm dừng, bỗng xuất hiện mấy người mặc quần áo dân tộc thiểu số đang đứng ở rìa đường, phía trước trạm dừng xe. Cô gái liền kéo ông ra xem. Hóa ra đây là mấy người mang sâm Ngọc Linh từ Kon Tum về bán. Tỏ ra là người hiểu biết, cố gái xem kỹ gói sâm tươi, cũng lại bấm một miếng nếm thử. Cô xác định: Đúng là sâm Ngọc Linh. Khi hỏi giá, mấy người dân tộc nói giá 40 triệu một kg. Cô gái chê đắt quá, mấy người dân tộc liền dành lại gói sâm cất vào giỏ.

Thấy vậy cô gái nháy ông ra một góc thì thầm: Sâm thật mà giá rẻ quá. Hôm nọ em phải mua 1 kg biếu sếp tổng với giá 60 triệu 1kg đấy. Anh ra trả giúp cho em 30 triệu một kg, em mua hết. Thấy cô gái hiểu biết về sâm, ông Sinh yên tâm ra trả giá. Ai ngờ mấy người đồng ý bán. Đem lên cân thấy vừa đúng 2 kg. Cô gái bỏ tiền ra chỉ còn 30 triệu đồng. Cô cân 1kg cất vào túi. Nhưng rồi cô vẫn ngần ngừ, tiếc rẻ. Cô nói với ông Sinh: Anh có mang tiền không, mua nốt cân này đi, anh không dùng về Vĩnh Long em lấy lại. Thấy cô mua một cách hồ hởi, lại nghĩ sâm tốt mình cũng cần dùng, ông Sinh gật đầu. Thôi để tôi mua. Nhà cũng cần dùng. Về đến nhà, thấy người hơi mệt, ông Sinh liền cắt một lát ra ngậm. Ai ngờ một lúc sau ông thấy ngứa trong miệng, rồi lan ra cả mặt. Soi gương thì ôi thôi, cả cái mặt biến dạng, sưng phù… May ông Sinh có ông bạn làm bác sĩ. Khi khám bệnh và xem xét mớ sâm ông mua về, bác sĩ xác định ngay không phải sâm Ngọc Linh mà là củ ráy Tàu, nhập từ Trung Quốc. Loại này gây dị ứng mạnh. May mà ông mới dùng một lát mỏng. Dùng nhiều chắc gay go. Gọi điện cho cô gái đi cùng xe thì... tò tí te…

Sâm Ngọc Linh là vị thuốc quý của Việt Nam

Sâm Ngọc Linh được xem như loài thuốc quý hiếm có nguồn gốc ở vùng núi cao phía Bắc Tây Nguyên được tìm thấy ban đầu tại miền Trung Trung bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Trà My tỉnh Quảng Nam...

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người nên giá trị sâm Ngọc Linh rất quý. Tuy nhiên hiện nay trong tự nhiên không tìm thấy sâm Ngọc Linh nữa nên các doanh nghiệp, chính quyền địa phương vùng đất có nguồn gốc sâm tự nhiên hình thành và phát triển đã tìm cách gây dựng lại giống sâm quý này. 

Qua điện thoại, chiều ngày 1-10-2013, bà Lâm Tuyết, một chuyên gia của viện Dược liệu Trung ương cho biết viện này từng có cảnh báo nhiều loại thực vật giả sâm Ngọc Linh, từ các mẫu sâm khách hàng đưa đến nhờ kiểm nghiệm. Có rất nhiều các loại cây, từ cây thuốc đến cả cây độc từ Trung Quốc đến cả Lào cũng được mang về để làm giả sâm Ngọc Linh. Tất cả bởi cái giá quá đắt của cây thuốc quý hiếm này. Thời điểm cuối năm 2012, một người dân đi rừng vô tình tìm thấy mấy bụi sâm Ngọc Linh thiên nhiên. Nhiều người nghe tin đã lao đến mua với giá trên 100 triệu/kg.

Trong các loại sâm Ngọc Linh giả chỉ có loại sâm có cùng chi Panax (nhân sâm) với sâm Ngọc Linh nhưng thành phần hoạt chất hữu ích ít hơn sâm Ngọc Linh nhiều lần, không độc nhưng hiệu quả hạn chế, còn lại đều là các loại cây gây độc. Nguy hiểm hơn cả là những loại giả sâm Ngọc Linh làm từ củ của một số loài thuộc họ ráy (Araceae), hình dáng bên ngoài khá giống sâm Ngọc Linh. Dùng phải những loại sâm giả này có thể bị phỏng miệng, phồng rộp, hôi miệng, dùng nhiều có thể ngộ độc... Loại giả phổ biến hơn là dùng củ vũ diệp tam thất (còn được gọi tam thất hoang, sâm vũ diệp, trúc tiết nhân sâm, sâm hai lần chẻ…), có tên khoa học Panax bipinnatifidum Seem, một thứ cây thuốc có tác dụng hạn chế và dùng không đúng liều có thể gây hại đến sức khỏe. Những kẻ xấu ở miền nam Trung Quốc thậm chí còn bơm một số chất kích thích vào cây tam thất hoang để củ tròn giống sâm Ngọc Linh. Những hóa chất này độc hại ghê gớm đến sức khỏe con người.

Công an tỉnh Kon Tum từng phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả liên tỉnh. Theo khai nhận của các đối tượng liên quan, công nghệ làm giả khá đơn giản: lấy củ vũ diệp tam thất có hình dáng giống sâm rồi chôn vào đất núi Ngọc Linh, trước khi mang đi tiêu thụ chúng ngâm trong nước pha từ sâm Ngọc Linh thật để có mùi sâm.

Cần cảnh báo cho người tiêu dùng

Đến thời điểm này Kon Tum chỉ có 2 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh nhưng chưa đến thời điểm thu hoạch. Vì vậy có thể nói phần lớn sâm Ngọc Linh đang lưu hành trên thị trường là sâm giả. Tuy nhiên đến chiều ngày 1-10-2013 khi đi dạo chợ đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5 - TP Hồ Chí Minh) khi hỏi mua sâm Ngọc Linh nhiều chủ hàng thuốc đông dược vẫn trả lời có, chỉ có điều phải đặt tiền thì họ mới mang về, không mua là mất tiền. Giá rẻ giật mình: 28 triệu đồng/kg. Thậm chí có cửa hàng còn bày bán công khai sâm Ngọc Linh ngâm rượu giá 8,3 triệu đồng/bình. Tất cả các loại sâm rao bán này chỉ được đảm bảo chất lượng bằng miệng, không có chứng nhận của cơ quan kiểm nghiệm nào. 

Đã đến lúc cần có những đợt tuyên truyền giáo dục sức khỏe về sâm Ngọc Linh cùng những cảnh báo về sâm giả, nguồn gốc và sự độc hại của các loại hàng giả mạo này. Khi những hạn chế do tác dụng phụ của các loại dược phẩm bào chế từ các hoạt chất tổng hơp càng ngày càng rõ, nhân dân đang hướng tới những loại thuốc có nguồn gốc thảo dược, trong đó Ngọc Linh với những nghiên cứu được công bố là niềm mong ước của bao nhiêu người bệnh, đó là đất tốt cho những kẻ lừa đảo làm giàu. Dẫu các cơ quan bảo vệ pháp luật đã cố gắng, nhưng khi người dân không được tuyên truyền để hiểu rõ sâm Ngọc Linh hiện đang lưu hành chủ yếu là giả thì họ vẫn bị lừa do thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm mỗi ngày một tinh vi hơn. Trách nhiệm trong vụ việc này là của ngành Y tế, cụ thể là cơ quan truyền thông giáo dục sức khỏe Bộ Y tế. 

Loài nhân sâm quý thứ 20 trên thế giới và những "ngón nghề" siêu lừa đảo tại TP.HCM ảnh 2

Theo một số chuyên gia về đông dược, có thể dễ dàng phân biệt sâm Ngọc Linh thật và giả. Sâm Ngọc Linh thật vỏ mỏng, nhẵn bóng, khi cắt lát có vân đồng nhất và những sợi xơ nhỏ. Khi nhai lát sâm mềm, thơm, có vị đắng dịu, ngọt thanh, kéo dài về sau, có mùi sâm đặc trưng. Các loại sâm Ngọc Linh giả vỏ dày, mặt vỏ không nhẵn bóng, nhìn nghiêng cảm giác có vảy, khi cắt lát không có vân đồng nhất, khi nhai lát sâm giả thấy có vị ngái đắng, không thơm ngọt. Nhiều người hiện nay phân biệt theo mùi đất bám vào củ sâm do sâm thật thường có mùi nồng nồng của mùn lá trên núi đá. Tuy nhiên cách phân biệt này có thể sai lầm.