Loại ngay những cán bộ "thấy khó là né"

ANTĐ - Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên; kiên quyết tinh giản 10% tổng biên chế, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức… Đây là những mục tiêu quan trọng trong dự thảo các chương trình số 01, 08 của Thành ủy, được đưa ra góp ý tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI, ngày 21-4.

Loại ngay những cán bộ "thấy khó là né" ảnh 1Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: UBND TP đã phân công nhiệm vụ trên cở sở mỗi người một việc xuyên suốt, không trùng lặp

Lưu ý tình trạng cán bộ “chạy” luân chuyển

Trình bày dự thảo Chương trình số 01 của Thành ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và tổ chức Đảng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)…”, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nêu rõ, 5 năm tới, Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu 40% cán bộ trong diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ trở lên; 100% cán bộ cấp xã, phường, thị trấn đạt trình độ chuyên môn đại học trở lên; đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ đạt 10% trở lên, cán bộ nữ 15% trở lên. Đến năm 2020, phải tinh giản tối thiểu 10% tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức thành phố được giao năm 2015. 

Một điểm nhấn quan trọng nữa là thành phố sẽ chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý theo quy hoạch; kết hợp điều động, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị gắn với thực hiện quy định luân phiên, định kỳ chuyển đổi công tác, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương…

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, dự thảo Chương trình 01 của Thành ủy được xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp thu các kinh nghiệm từ Chương trình 01 nhiệm kỳ trước, có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Đây được coi là xương sống trong 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XIV. 

Góp ý vào dự thảo này, đồng chí Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng, muốn đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ như mục tiêu đề ra thì ngoài quyết tâm, cán bộ cao tuổi cũng phải biết hy sinh vì thế hệ trẻ. Theo đồng chí Hoàng Công Khôi, yêu cầu quan trọng trong công tác cán bộ là phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của từng đảng viên, gạt bỏ ngay những cán bộ “thấy khó là né”. Cùng đó, cần rà soát để sắp xếp, bố trí lại một số cán bộ cho đúng chuyên môn, chức năng nhiệm vụ. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần công khai, minh bạch hơn. Riêng về công tác điều động, luân chuyển cán bộ, phải đặc biệt lưu ý tránh tình trạng “chạy” để luân chuyển. 

Đi tiên phong trong cải cách hành chính

Chiều 21-4, góp ý vào dự thảo Chương trình số 08 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2016-2020”, đồng chí Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, muốn cải cách hành chính thành công thì điều quan trọng nhất vẫn là đội ngũ cán bộ, công chức.

Đồng quan điểm, đồng chí Đỗ Mạnh Hải, Bí thư Quận ủy Long Biên cho rằng, cải cách hành chính cần gắn với xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh, tính đến đặc thù ở mỗi địa phương và kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức. 

Đáng chú ý, Chương trình 08 đặt mục tiêu đến cuối năm 2017, thành phố sẽ cung cấp từ 

40-50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt trên 80%; đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông… Điều hành phiên thảo luận về nội dung này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu ví dụ về việc Ban cán sự UBND TP đã gương mẫu, chủ động triển khai nội dung này.

“Chiều 20-4, UBND TP đã sắp xếp lại xong bộ phận văn phòng, từ 12 phòng rút xuống còn 7 phòng. Các phòng sau khi được sắp xếp lại sẽ thực hiện nghiêm túc quy định là chỉ có 1 trưởng phòng và từ 2 đến 3 phó phòng… UBND TP cũng đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND TP, các Phó Chủ tịch UBND TP trên cơ sở mỗi người một việc xuyên suốt, không trùng lặp” - Chủ tịch UBND TP cho biết.

Về vấn đề áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Đức Chung thông tin thêm, từ 1-6 tới, toàn bộ việc cấp đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ thực hiện qua mạng. Thành phố cũng phấn đấu toàn bộ phường/ xã sẽ cung cấp dịch vụ công cho người dân đạt tỷ lệ 60%. Ngoài ra, thành phố cũng đang có chủ trương sẽ áp dụng hình thức thanh toán các loại phí dịch vụ qua mạng.

“Tinh thần là cán bộ, công chức sẽ thực hiện trước việc trả tiền điện, nước qua mạng. Nếu làm được như vậy, sẽ giảm được nhiều phần việc của các doanh nghiệp công ích và đảm bảo tính chính xác” - đồng chí Nguyễn Đức Chung nói. Về nhân lực, Hà Nội phấn đấu trong năm 2016 đào tạo được 12.000 cán bộ xã phường, sở ngành có trình độ tin học C để thực hiện các dịch vụ công.

Đầu tư trên 72.000 tỷ đồng cho nông thôn

Theo dự thảo Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, từ nay đến năm 2020, thành phố phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/ năm trở lên; đến năm 2020 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 15 huyện/ thị xã trở lên đạt nông thôn mới; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên... Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 72.092 tỷ đồng.