Loại Nga, G-7 biết đấu đá với ai?

ANTĐ - Đã hơn 1 lần Tổng thống Nga V.Putin và các quan chức hữu trách Nga khẳng định, Nga không tiếc và cũng không cần tham gia vào “Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới” (G8).

Tối ngày thứ 2 - 24/3, tại cuộc họp báo ở The Hague, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga không cần thiết phải "bám lấy" cơ cấu G-8, đồng thời không thấy vấn đề gì, nếu hội nghị thượng đỉnh G-8 sẽ nhóm họp với thành phần khác và không tổ chức tại Sochi-Nga vào tháng 6 tới.

Ông nhấn mạnh rằng, G-8 được thành lập với tư tưởng chủ đạo là hình thành một diễn đàn dành cho cuộc đàm phán giữa các nước hàng đầu phương Tây và Nga để giải quyết những nút thắt trong phát triển kinh tế và công nghiệp thế giới. Nga rời khỏi G8 thì diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới này coi như chẳng còn ý nghĩa gì.

Ngoại trưởng Nga cho rằng, với sự hình thành của G-20, hầu hết các vấn đề kinh tế tài chính sẽ được thảo luận ở định dạng “nhóm hai mươi” (G-20). Nga đang đón nhận một trải nghiệm thú vị về khả năng tồn tại thiếu Nga của G-7, xem trong khoảng một năm rưỡi tới, G-8 sẽ tồn tại như thế nào?

Hôm thứ 24-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy viết trên Twitter rằng, do quan điểm của Nga về Ukraine, các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ trong nhóm G-7 ​​sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh G-8 dự kiến tại trong Sochi.

Về vấn đề có liên quan, tại cuộc họp báo hôm 25-3 ở Tokyo, Bộ trưởng về các vấn đề khắc phục kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết, Chính phủ Nhật Bản ủng hộ việc phục hồi sự tham gia của Nga trong G-8, sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết.

Ông thừa nhận: "Nga là một đối tác quan trọng, liên quan đến sự duy trì trật tự thế giới. Mong rằng Nga sẽ trở lại G-8 sau khi những vấn đề mà cộng đồng quốc tế chỉ ra được giải quyết".

Bộ trưởng Amari cũng lưu ý rằng, ở giai đoạn này, lệnh trừng phạt Nga không tác động mạnh tới nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, ông không loại trừ rằng sự leo thang xung đột có thể ảnh hưởng hơn nữa đến thương mại song phương.