Loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn "chộp giật" trong xuất khẩu lao động

ANTD.VN - Ở một số doanh nghiệp, công tác tuyển chọn lao động còn nhiều bất cập: tuyển chọn không đúng đối tượng, không tổ chức đào tạo hoặc đào tạo không đầy đủ, tuyển chọn qua trung gian, môi giới… khiến người lao động phải đóng phí cao.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu lao động của Việt Nam ước tính đạt trên 1,8 - 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động vẫn tồn tại không ít thách thức.

Trong thời gian 5 năm gần đây, số lượng lao động đi làm việc ở thị trường Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đến trên 90% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Tuy nhiên, tại các thị trường này đã phát sinh một số vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ổn định và phát triển thị trường như: Người lao động phải chịu mức phí xuất cảnh quá cao, tỷ lệ lao động vi phạm pháp luật, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp tăng.

Cần quy định điều kiện với các doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động giúp việc gia đình sang các thị trường ngoài nước

Ngoài ra, cơ quan lao động của Đài Loan (Trung Quốc) cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH phải giới thiệu các doanh nghiệp uy tín để cung ứng lao động sang thị trường này. Để duy trì và giữ vững được hai thị trường chính tiếp nhận lao động Việt Nam, cần thiết phải quy định các điều kiện cơ bản đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường, chi phí người lao động phải chi trả cũng như quy định các điều kiện cụ thể của hợp đồng cung ứng và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những thị trường không phải là trọng điểm của Việt Nam cũng xuất hiện một số bất cập, từ năm 2014 Ả rập Xê út đã phát sinh một số vụ việc dẫn đến phải đưa người lao động về nước như người lao động khiếu nại về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn uống, chủ sử dụng ngược đãi; sức khoẻ không đảm bảo, không được đào tạo, giáo dục định hướng đầy đủ nên người lao động không giao tiếp được với chủ sử dụng, khó hòa nhập môi trường sống mới với văn hoá khác biệt.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, hiện nay, các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: vốn pháp định, tiền ký quỹ, người lãnh đạo điều hành, bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ sở vật chất bồi dưỡng kiến thức cần thiết vẫn đang được quy định rải rác tại Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Từ những phân tích trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần quy định các điều kiện đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động sang các thị trường Nhật Bản, Đài Loan. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (thay thế Nghị định số 126/2007/NĐ-CP).