Loại bỏ “cái chết” tức tưởi

ANTĐ - Bất chấp các cuộc thử nghiệm, vẫn có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau về việc áp dụng công nghệ đường biên vào bóng đá để xác định bóng đá qua vạch vôi hay chưa. Nhưng sau “bàn thắng bị đánh cắp” gây tranh cãi trong trận Ukraine - Anh, kế hoạch đưa công nghệ vào phân định tình huống bóng đá được coi là tất yếu.

Bàn thắng mười mươi của Ukraine bị trọng tài từ chối

Trong tháng tới, IFAB - Ủy ban phụ trách về việc ban hành hoặc sửa đổi các điều luật của bóng đá thế giới sẽ họp lần cuối để quyết định có hay không áp dụng công nghệ đường biên vào bóng đá. Và bàn thắng hợp lệ không được công nhận của Ukraine giống như cú hích cuối cùng đối với đề án này. 

Trở lại với trận Ukraine - Anh tại Bảng D, trận đấu có ý nghĩa quyết định đến tấm vé giành quyền vào tứ kết VCK Euro 2012 của đồng chủ nhà Ukraine hoặc Anh. Anh vươn lên dẫn trước 1-0 vào đầu hiệp 1 nhờ cú đánh đầu cận thành của Wayne Rooney. Phút 62, Marko Devic sút bóng vượt qua tầm truy cản của thủ môn Joe Hart và bay vào lưới trước lúc trung vệ John Terry băng về móc bóng ra ngoài vạch vôi. Ở thời điểm đó, các chuyên gia và người hâm mộ cũng có những quan điểm khác nhau. Một số người tin rằng bóng chưa qua hết vạch vôi, trong khi số khác nghĩ ngược lại. Những người không cho đó là bàn thắng căn cứ vào sự xuất hiện của 1 trợ lý đứng ngay trên vạch vôi để quan sát tình huống trên. Đây cũng là lý do Chủ tịch UEFA Michael Platini tin tưởng đó chưa phải là một bàn thắng, bởi “sáng kiến” đưa thêm các trợ lý vào bên cạnh mỗi vòng cấm địa đã phát huy tác dụng từ lúc VCK Euro 2012 khởi tranh ở Ba Lan và Ukraine. 

Mặc dù vậy, những bức ảnh sau đó xác định bóng đã bay qua vạch vôi - 100% trái bóng và đó là “bàn thắng bị đánh cắp” của Ukraine. Tình huống này khiến cho cuộc tranh cãi trong suốt chiều dài của lịch sử bóng đá thế giới về việc bóng đá qua vạch vôi hay chưa hoặc “những bàn thắng ma” thêm căng thẳng.

Bàn thắng hợp lệ không được công nhận của Devic lấy đi những lý giải và những quan điểm bảo thủ cuối cùng của các nhà quản lý bóng đá cũng như những người làm luật. Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter, người từng phản đối kịch liệt đề án áp dụng khoa học công nghệ vào bóng đá rốt cục cũng đã thay đổi quan điểm sau tình huống gây tranh cãi trong trận Anh-Đức tại World Cup 2010. IFAB, trong đó chủ yếu là những người của Liên hiệp Anh từng phải nhận “quả đắng” vì bàn thắng không được công nhận của đội tuyển Anh tại Nam Phi có lẽ cũng không còn duy ý chí về truyền thống của bóng đá. Truyền thống là thứ quý giá, cần phải gìn giữ và phát huy, nhưng không phải là lĩnh vực nào hay khía cạnh nào cũng cần bảo tồn, nếu nó không còn phù hợp hay đi ngược với quy luật của thời đại.