Lo Trung Quốc, Nhật Bản - Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự

ANTĐ -  Việc hải quân Trung Quốc tăng cường hoạt động trên Ấn Độ Dương khiến chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi phải nhanh chóng tìm cách hiện đại hoá lực lượng hải quân bằng cách mua thêm nhiều thiệt bị quân sự và hợp tác với những đồng minh khác.

Ngoài việc đề nghị Mỹ chia sẻ công nghệ xây dựng tàu sân bay, Ấn Độ cũng đang cân nhắc hợp tác với Nhật Bản trong việc đóng tàu ngầm và cả lên kế hoạch mua các thuỷ phi cơ tìm kiếm và giải cứu (SAR) US-2.

Lo Trung Quốc, Nhật Bản - Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự ảnh 1Thuỷ phi cơ US-2 của Nhật 

Ấn Độ cũng cân nhắc đến thuỷ phi cơ của Nga, tuy nhiên cuối cùng quyết định chọn Nhật vì nước này cho rằng máy bay US-2 có khả năng cất và hạ cánh trong cả điều kiện sóng to gió lớn. Nếu thoả thuận mua các thuỷ phi cơ US-2 của Nhật Bản thành công, thì đây sẽ là hợp đồng xuất khẩu quân sự đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra 3 quy định mới về việc sản xuất và buôn bán vũ khí vào tháng 4-2014.

Bên cạnh các thoả thuận mua bán thiết bị quân sự, Nhật Bản và Ấn Độ cũng cùng nhau hợp tác song phương trong vấn đề an ninh hàng hải, chống khủng bố và cướp biển kể từ tháng 1-2014 khi bộ trưởng quốc phòng 2 nước có cuộc gặp mặt trực tiếp.

Vào thời điểm đó 2 bộ trưởng đã đề cập đến hợp đồng bán mua thuỷ phi cơ US-2, tuy nhiên, tuyên bố cuối cùng chỉ được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nhật vào tháng 9-2014. Trong cuộc gặp này, ông Abe và ông Modi cũng đồng ý tổ chức các cuộc họp bàn thêm về vấn đề hợp tác thiết bị quân sự và công nghệ và tổ chức tập trận chung hải quân. Nhật và Ấn Độ có chung quan điểm rằng sự tăng cường hợp tác là cần thiết do môi trường khu vực ngày càng trở nên căng thẳng bởi chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Vào tháng 7-2014, Nhật đã tham gia cuộc tập trận Malabar của Mỹ và Ấn Độ sau lời mời từ phía New Delhi. Trước năm 2014, Nhật cũng cũng từng tham gia cuộc tập trận này vào năm 2007 và 2009. Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích các hành động này của Nhật và Ấn Độ, 2 quốc gia hiện đều có những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hoặc biển đảo với Trung Quốc.