Lo tin tặc đe dọa hàng không

ANTĐ - Hàng hàng không lớn nhất Ba Lan đã tê liệt hoạt động trong nhiều giờ do lần đầu tiên bị tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của hãng, làm ảnh hưởng tới hàng nghìn hành khách.

Người phát ngôn của Hãng hàng không quốc gia Ba Lan (LOT) Adrian Kubicki xác nhận một vụ tấn công mạng nhằm vào hãng này vào chiều 21-6 đã gây ảnh hưởng đến hơn 1.400 hành khách tại sân bay Frederic Chopin ở Thủ đô Warsaw. Theo người phát ngôn hãng hàng không LOT, vụ tấn công mạng xảy ra lúc 16h địa phương (22h giờ Hà Nội) ngày 21-6 và nhằm vào hệ thống máy tính mặt đất của hãng hàng không này.

Lo tin tặc đe dọa hàng không  ảnh 1

Chiếc máy bay của Hãng hàng không LOT không thể cất cánh khỏi sân bay Chopin ở Thủ đô Warsaw sau vụ tin tặc tấn công

Vụ tấn công của tin tặc vào hãng hàng không LOT đã làm hệ thống mạng bị tê liệt trong vòng 5 giờ đồng hồ, khiến LOT phải hủy bỏ 10 chuyến bay cả trong nước lẫn quốc tế, đồng thời  hoãn 12 chuyến bay khác khởi hành từ sân bay Frederic Chopin tới sân bay ở các thành phố Dusseldorf, Hamburg (Đức) và Copenhagen (Đan Mạch) cùng những thành phố khác ở Ba Lan. Hãng LOT cũng khẳng định, vụ tấn công không gây ảnh hưởng đến các chuyến bay đang trên hành trình bay như một số phương tiện truyền thông nói là các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp. 

Trong một thông cáo, hãng hàng không LOT tuyên bố đây là vụ tấn công mạng đầu tiên đối với hãng và chỉ xảy ra tại sân bay Frederic Chopin. Hiện hãng hàng không LOT cũng như giới chức của Ba Lan chưa cho biết vụ tấn công bắt nguồn từ đâu và những kẻ tin tặc có mục đích gì, ngoài thông tin rằng vụ việc đang được “cơ quan chức năng Ba Lan tiến hành điều tra làm rõ”.

Dù vụ tấn công của tin tặc vào hãng hàng không LOT của Ba Lan chưa gây hậu quả đáng tiếc, song đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ tiềm ẩn của tội phạm mạng đối với hoạt động hàng không vốn  đã được điều khiển tự động hóa rất cao. Chính người phát ngôn của LOT Adrian Kubicki đã cảnh báo: “Chúng tôi sử dụng một hệ thống máy tính hiện đại bậc nhất nước, vì thế sự việc lần này cũng có thể gây ra mối đe dọa đối với các hãng hàng không khác trong ngành”.

Trước đó, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) hồi tháng 12-2014 từng lên tiếng cảnh cáo rằng tội phạm mạng có thể tạo ra mối đe dọa nguy hiểm với an toàn hàng không. Tổ chức này khuyến cáo các hãng hàng không toàn cầu phải xây dựng một thứ “văn hóa an ninh” để phòng ngừa các tai nạn hàng không thảm khốc.

Một báo cáo điều tra do Quốc hội Mỹ đưa ra hồi tháng 4 vừa qua cũng cảnh báo về khả năng tin tặc có thể lợi dụng hệ thống điều khiển bay để tiến hành hoạt động phá hoại hệ thống điện tử trong buồng lái. Cảnh báo này được đưa ra sau vụ phi công phụ của hãng hàng không Germanwings đã chiếm quyền điều khiển chiếc A320, đặt chế độ lái tự động 100% khiến chiếc máy bay lao xuống vùng núi Alps thuộc Pháp, gây ra vụ tai nạn thảm khốc làm toàn bộ 150 người thiệt mạng.

Nguy cơ tin tặc đe dọa an ninh hàng không càng hiện hữu hơn khi ông Chris Roberts, chuyên gia an ninh, vào tháng 5 vừa qua tuyên bố đã chiếm quyền kiểm soát một chiếc máy bay của hãng United Airlines thông qua hệ thống điều khiển. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó đã vào cuộc khi ông Roberts khẳng định mình đã chiếm quyền điều khiển chiếc máy bay của hãng United Airlines trong một thời gian ngắn từ vị trí ngồi của hành khách trên máy bay.