Lo “sức khỏe” kinh tế

ANTĐ - Lần đầu tiên trong nhiều năm qua GDP tăng trưởng cao hơn chỉ số giá tiêu dùng, cho thấy biểu hiện khó khăn trong sản xuất và đời sống. Mục tiêu tăng trưởng 6% là rất khó đạt được, nếu chúng ta vẫn siết chặt tiền tệ như hiện nay. Một bộ phận nhân dân sẽ khó khăn, thất nghiệp sẽ gia tăng nếu doanh nghiệp tiếp tục phá sản. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong báo cáo về tình hình kinh tế quý I-2012.

Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Bộ trưởng cho rằng, mặc dù lạm phát đã được kìm giữ ở mức rất thấp, CPI giảm rất mạnh còn 2,55% chỉ số tăng giá tháng 4 chắc chắn dưới 0,1%, song 3 tháng đầu năm có dấu hiệu suy giảm kinh tế. GDP quý I tăng thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây và tăng thấp hơn dự kiến của Chính phủ. Sản xuất công nghiệp chỉ bằng một nửa cùng kỳ, hàng tồn kho lên tới 34,9%. Lần đầu tiên xuất siêu đạt 220 triệu USD, nghe thì mừng nhưng ngẫm lại rất đáng lo.

Bởi như vậy là sản xuất đang đình trệ kể cả khâu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Bộ trưởng phân tích, tỷ lệ nhập siêu khoảng 9-10% là bình thường, nếu dưới 10% là “có vấn đề”, chứng tỏ nền kinh tế trì trệ. Trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra những nhận xét khá mạnh với những từ “lo ngại”, “bất thường”, “đáng báo động”. Cụ thể là tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ giảm hơn 1%, nhưng là chỉ báo bất thường nếu so với các năm trước. Hai chỉ số bất thường là chỉ số sản xuất công nghiệp quý I chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011 và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua. Đặc biệt chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5%. Những dấu hiệu không vui cho nền kinh tế là sức mua của thị trường trong nước giảm, tổng mức bán lẻ tăng chậm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại trước nhiều ý kiến cho rằng, từ quý II nền kinh tế sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng về việc tăng giá đột biến của một số mặt hàng thiết yếu. Có thể lặp lại tình trạng lương tăng - giá tăng như những năm trước. Một chuyên gia kinh tế cao cấp nhận xét, điểm nổi bật đáng lo ngại từ nay đến cuối năm là sự đình trệ của sản xuất trở lên khá nghiêm trọng. Các doanh nghiệp không nhập khẩu, đồng nghĩa với trong những tháng tới sẽ không có nguyên vật liệu để sản xuất. Hiện nay sức mua giảm sút rõ rệt cho thấy dấu hiệu thiểu phát. Đới sống người dân ngày càng khó khăn người lao động không có thu nhập do bị nợ lương, công trình, dự án làm xong không được chủ đầu tư thanh toán dẫn tới nợ dây chuyền. Vị chuyên gia cho rằng, trong tình thế này cần phải xem lại vai trò của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có đúng là những “quả đấm thép”, là công cụ điều tiết, góp phần ủng hộ kinh tế vĩ mô hay không.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ đặt ra yêu cầu điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trước nỗi lo về “sức khỏe” nền kinh tế, nhất là “sức khỏe” của giới doanh nghiệp, Chính phủ đã xem xét đề ra những phương án, giải pháp kịp thời và mạnh mẽ để cứu chữa. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu không tăng trưởng sẽ chẳng làm được gì, nhưng phải ổn định mục tiêu kiềm chế lạm phát, an sinh xã hội và kinh tế 

vĩ mô.