Lo ô nhiễm nguồn nước vượt tầm kiểm soát

ANTĐ - Đây là nhận định của bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) trong cuộc trao đổi xung quanh vấn đề ô nhiễm nguồn nước bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trong thời gian qua. 

- Gần đây, ô nhiễm nguồn nước diễn biến khá nghiêm trọng tại nhiều địa phương, bà có nhận định gì về tình trạng này?

- Tình trạng ô nhiễm nguồn nước biển, nước sông, hồ xảy ra liên tiếp trong thời gian rất ngắn gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ô nhiễm khi bùng phát đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà bất kỳ ai cũng nhìn thấy được. Biểu hiện đó cho thấy, ô nhiễm nguồn nước, ở một chừng mực nào đó, đã vượt qua tầm kiểm soát. 

Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi ô nhiễm nguồn nước rất khác so với các ô nhiễm khác. Ví dụ, ô nhiễm về rác thải vẫn cô lập được khu vực để giải quyết. Trong khi ô nhiễm nguồn nước có tính chất lan truyền, khi xảy ra vấn đề thì không chỉ ở nơi có ô nhiễm bị ảnh hưởng mà sẽ tác động tới cả những khu vực hạ nguồn. Đặc biệt, khi ô nhiễm đã lan tỏa thì khả năng cô lập để xử lý rất khó. Trong trường hợp đó, việc xác định nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước cũng không hề đơn giản, bởi thông thường có rất nhiều nguồn thải, nhiều yếu tố gây ô nhiễm. Vì vậy, công việc khoa học thuần túy để xác định nguyên nhân là một công việc cực kỳ tốn kém, khó khăn và việc khôi phục hệ sinh thái sẽ là câu chuyện dài. Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước còn ảnh hưởng lớn tới sinh kế của người dân và các ngành kinh tế như ngư nghiệp, du lịch.

- Quá trình xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại một số địa phương cho thấy có tình trạng nhiều nhà máy xả thải chưa tiến hành xử lý ra môi trường. Phải chăng việc quản lý hiện còn quá lỏng lẻo?

 - Việc kiểm soát ô nhiễm nguồn nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện nay, bất kỳ nhà máy nào có nguồn thải ra môi trường đều phải đánh giá tác động môi trường, phải có giấy phép xả thải..., nhưng thực tế vi phạm vẫn xảy ra. Mặc dù có chế tài nhưng vẫn không đủ để kiểm soát, vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là những chế tài đó đã thực sự đúng mức hay chưa? 

Xử lý nước thải phụ thuộc rất lớn vào công nghệ, nhưng hiện công nghệ xử lý tại Việt Nam chưa có nền tảng. Người kiểm tra công nghệ cũng không có đủ năng lực hay ý thức chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, nhiều công cụ khác như quan trắc, kiểm tra, kiểm soát... cũng còn có vấn đề. Thậm chí, có khi xác thực được việc một nhà máy xả thải gây ô nhiễm nhưng mức độ trầm trọng đến đâu lại rất khó đo đếm được. 

Chúng tôi đang tiến hành vận động để đưa ra Luật Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước nhằm ngăn ô nhiễm ở trên bờ và qua đó đảm bảo chất lượng nguồn nước. 

- Để xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước đòi hỏi việc lấy mẫu để phân tích, quy trình lấy mẫu này được thực hiện như thế nào và thông thường mất bao lâu để cho ra kết quả?

- Các quy trình về lấy mẫu nước, mẫu vật hay mẫu trầm tích đều có phương thức chuẩn theo quốc tế. Để xác minh chính xác nguyên nhân đòi hỏi có thời gian, thậm chí rất lâu vì với ô nhiễm nước, chúng ta không thể cô lập. Cùng với đó, còn có rất nhiều nguồn có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm. Đôi khi, việc bùng phát ô nhiễm là do tất cả các nguyên nhân đó cộng lại. 

Thực tế việc xác minh nguyên nhân tại một số sự cố môi trường trong thời gian qua cho thấy, các nhà khoa học phải lấy một số lượng rất lớn các mẫu, tại nhiều địa điểm khác nhau. 

Ví dụ như, trong vụ việc ô nhiễm thủy ngân tại Nhật Bản gây ra những bệnh rất nghiêm trọng cho người dân, các nhà khoa học phải mất tới 4-5 năm mới xác định được chất gây ô nhiễm đã đi vào chuỗi thức ăn, vào hệ sinh thái và tác động tới con người như thế nào.