Lo ngay từ đầu năm

ANTĐ - Cho dù phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, cộng hưởng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế tích tụ từ những năm trước, song bước vào năm 2012, “bức tranh” tổng thể của nước ta vẫn có những điểm sáng có sức lan tỏa. Đó là tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt sáng nhất là mức nhập siêu dưới mức 10%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, trong năm 2012 nền kinh tế sẽ phải vượt qua 6 thách thức lớn nằm ngay trong cơ cấu, chưa tính đến những khó khăn từ kinh tế thế giới dội vào.

Đáng quan tâm nhất là tăng trưởng có khuynh hướng chậm lại, không dễ dàng đạt mục tiêu GDP 6% so với kì vọng 6-6,5%, lạm phát có thể kéo xuống 10% song vẫn có thể dao động khó kiểm soát. Điểm “nóng” nhất cũng là mối lo lớn nhất là thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá nghiêm trọng có thể kéo dài trong nửa đầu năm nay. Mặc dù kỳ vọng lạm phát có thể giảm xuống, nhưng lãi suất vẫn khó giảm do ưu tiên kiềm chế lạm phát nên sẽ tiếp tục gây nên khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, dòng vốn chảy vào dễ thay đổi ảnh hưởng đến tỷ giá.

Trong cuộc họp tổng kết tình hình hoạt động ngân hàng năm 2011, các ngân hàng đã thừa nhận, sau vài tháng tạm lắng, tình trạng chạy đua lãi suất lại trở nên căng thẳng, nhiều ngân hàng đã “xé rào” vượt trần lãi suất huy động không còn là 14%/năm mà đã vọt lên16-17%/năm. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận “cái chợ không giá” trong ngân hàng chỉ tạm yên ắng trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước mạnh tay xử phạt một vài ngân hàng huy động vượt trần rồi đâu lại vào đấy. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, 90% tiền gửi dân cư là ngắn hạn, phần lớn là gửi 1 tháng. Trong khi hiện nay dư nợ cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng chiếm đến 47%. Vì “lấy ngắn nuôi dài” nên nhiều ngân hàng buộc phải “phá trần”.

Song Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận công tác thanh tra yếu, kém phát hiện không kịp thời việc ngân hàng sử dụng vốn không như định hướng. Các chiêu “lách, phá trần” thường sử dụng là khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng, thực hiện nghiệp vụ mua bán vàng có kỳ hạn. Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo nhiều ngân hàng vi phạm chi hoa hồng môi giới, chi trả ngoài lãi suất ghi tròn sổ tiết kiệm… khiến chi phí huy động tăng gây xáo trộn thị trường ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất. Một chuyên gia ngân hàng bày tỏ lo lắng, thị trường liên ngân đang biến động rất lớn, nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản thì không thể giải quyết được vấn đề lãi suất, nợ xấu. Theo chuyên gia này người gửi tiền không muốn gửi vào ngân hàng mà có thể đầu tư vào vàng, ngoại tệ, còn các ngân hàng không dám cho vay bởi nỗi lo nợ xấu bất động sản. Tới đây, nếu Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất xuống 12%/ năm thì người dân sẽ rút tiền cả trong ngân hàng lớn và nhỏ. Như vậy rủi ro sẽ rất lớn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, mối lo thanh khoản ngân hàng lộ rõ ngay từ đầu năm. Tất cả bất ổn kinh tế vĩ mô đều bắt nguồn từ lãi suất. Trước những khó khăn rất lớn trong điều hành lãi suất và thanh khoản, lãi suất chỉ có thể giảm nếu giải quyết được thanh khoản trong quý I này, đồng thời lạm phát phải giảm thì mới xử lý được.