Lo ngại việc mang thai hộ sẽ khiến trẻ gặp tranh chấp

ANTĐ - Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, những quy định về việc mang thai hộ thu hút được nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu.
Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật, đồng thời đề nghị quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền lợi của các bên, tránh lợi dụng thương mại hóa.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị chưa nên quy định vấn đề này trong luật, bởi việc quy định như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy liên quan đến quyền và lợi ích của các bên, nhất là trẻ em sinh ra trong trường hợp này, các tranh chấp có thể xảy ra.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Khúc Thị Duyên (Thái Bình) cho rằng, hiện cả nước có không ít cặp vợ chồng khó sinh con, quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đưa vào luật sẽ đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh này.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, ông đồng tình với dự thảo Luật, tuy nhiên đề nghị luật cần bổ sung thêm quy định: Người mang thai hộ phải chứng minh được điều kiện tài chính của mình trong quá trình mang thai và sinh con. Phải có chế tài xử lý đối với những trường hợp trẻ sinh ra không phải con của người nhờ mang thai hộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo dù đáp ứng được nhu cầu của các cặp vợ chồng vô sinh, nhưng lại ẩn chứa hậu quả khôn lường vì mang thai hộ ẩn chứa tính chất thương mại, gây xung đột, làm tổn thương đến người mẹ và trẻ em mà pháp luật khó có cơ sở xử lý. Thực tế, việc thực hiện kỹ thuật này rất tốn kém nên chỉ có những gia đình giàu có mới có thể thực hiện được.

Cùng ý kiến này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, qua những lần tiếp xúc cử tri, tỷ lệ người nhận biết được vấn đề này còn hạn chế, nếu có thì cũng có ít người đồng tình với việc mang thai hộ vì kỹ thuật này rất tốn kém, phù hợp với gia đình giàu nên sẽ vô tình tạo thêm sự phân biệt giàu nghèo. 

Cũng theo bà Hạnh, ý nghĩa nhân đạo của việc này đã rõ ràng nhưng ý nghĩa nhân đạo với đứa trẻ thì chưa rõ. "Đứa trẻ sẽ như thế nào nếu sống trong hoàn cảnh phức tạp thế. Ngoài mẹ ruột, mẹ nuôi và giờ lại là mẹ mang thai hộ".

Ngoài những ý kiến trên, cũng có ý kiến cho rằng, cần tách riêng quy định mang thai hộ thành luật mang thai hộ để nghiên cứu kỹ hơn về tính thực tiễn của luật.