Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát

ANTĐ - Đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013, song nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất lớn. PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cảnh báo, dịch SXH thường bùng phát mạnh từ tháng 7 đến tháng 10, hiện mới bắt đầu vào mùa cao điểm của dịch.

Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát  ảnh 1


- PV: Bệnh SXH ở nước ta hiện diễn biến thế nào, có đáng lo ngại hay không?

- PGS.TS Trần Như Dương: Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 12.000 trường hợp mắc SXH tại 42 tỉnh/ thành phố, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên hiện nay, bệnh SXH vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, đặc biệt một số quốc gia gần nước ta đang có số mắc tăng rất cao, chẳng hạn như Malaysia tăng 258%... Mặt khác, hiện mới bắt đầu bước vào mùa mưa ở khu vực phía Bắc, nguy cơ dịch bùng phát trong những tháng tới là không nhỏ, vì thế chúng ta không được lơ là, chủ quan.

- Ông có thể nói rõ hơn về diễn biến của dịch SXH có thể xảy ra trong thời gian tới?

- Bệnh SXH Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm, miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Tuy nhiên, bệnh SXH Dengue phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch SXH Dengue khoảng 3-5 năm một lần, nghĩa là thông thường cứ sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa, khoảng 3-5 năm lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra.

- Vậy những khu vực nào có nguy cơ bùng phát dịch lớn nhất, thưa ông? 

- Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh SXH Dengue, phổ biến nhất là 2 loài Aedes aegypti và Aedes albopictus. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch, nơi công trường xây dựng, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa là những nơi rất thuận lợi cho các loài muỗi sinh sôi, phát triển và gây dịch bệnh.

Vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi định kỳ là cách phòng dịch sốt xuất huyết hiệu quả

- Một người đã từng mắc SXH có thể mắc lại hay không, thưa ông?

- Bệnh SXH Dengue là bệnh nhiễm virus Dengue cấp tính gây ra. Bệnh nặng có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em. Do ở nước ta lưu hành cả 4 típ gây bệnh SXH Dengue, trong khi miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ, nên người ta có thể mắc bệnh SXH Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4. 

- Làm thế nào để phòng bệnh SXH hiệu quả?

- Hiện nay bệnh SXH Dengue chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/loăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. Người dân phải chú ý thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng tại hộ gia đình và phòng chống muỗi đốt bằng cách nằm màn. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH Dengue cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.