Lo ngại số trẻ tiêm vaccine sụt giảm

ANTĐ - Sáng 22-7, GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có mặt tại BV Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) để làm rõ nguyên nhân vụ 3 cháu bé sơ sinh  tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B.

Lo ngại số trẻ tiêm vaccine sụt giảm  ảnh 1
Cần tăng cường giám sát quy trình tiêm chủng từ Trung ương đến địa phương
để đảm bảo chất lượng tiêm chủng (ảnh minh họa)

- PV: Vì sao ngày càng có nhiều ca tai biến nặng xảy ra sau tiêm chủng?

- GS.TS Nguyễn Trần Hiển: Tiêm vaccine là đưa vào cơ thể một kháng nguyên kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động để dự phòng bệnh. Cũng như việc sử dụng thuốc hay thực phẩm, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vaccine, phản ứng này có thể nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại vaccine. Cũng có nhiều trường hợp tai biến, tử vong vì một lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng. Tỷ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm trên 1 triệu liều vaccine sử dụng không tăng lên theo thời gian mà nguyên nhân số ca gặp tai biến tăng lên chủ yếu là do số trẻ được tiêm vaccine tăng nhanh. 

- GS có thể chia sẻ về hướng điều tra mà đoàn công tác của Bộ Y tế đang tiến hành?

- Có 3 giả thuyết chính xung quanh vụ 3 trường hợp tử vong này được đưa ra gồm: chất lượng vaccine, chất lượng dịch vụ tiêm chủng (vận chuyển, bảo quản vaccine, quy trình tiêm chủng...) và bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên của trẻ. Thời gian để đưa ra kết luận về nguyên nhân phản ứng sau tiêm ngắn hay dài tùy thuộc vào mức độ và chất lượng của các thông tin bằng chứng có liên quan đến các nguyên nhân của phản ứng sau tiêm. 

Loại vaccine viêm gan B có liên quan đến 3 ca tử vong tại Quảng Trị vừa qua là vaccine do Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 sản xuất, cung cấp sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 đến nay.

- Năm 2007-2008, sau khi cả nước liên tiếp ghi nhận gần 10 trường hợp tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B, tỷ lệ tiêm phòng vaccine này đã sụt giảm trầm trọng. Ông có lo lắng thực trạng này sẽ lặp lại?

- Năm 2007-2008, sau khi xảy ra một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine viêm gan B, tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh đã giảm từ 64% (năm 2006) xuống 24% (năm 2008). Sau khi có kết luận cuối cùng về nguyên nhân của các ca gặp phản ứng nặng sau tiêm đều không có liên quan đến vaccine và dịch vụ tiêm chủng, Bộ Y tế tiến hành nhiều biện pháp để khôi phục lòng tin của người dân và nâng tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Nhờ đó, đến năm 2012, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh đã tăng lên 75,5%.  

- Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên xem xét lại lịch tiêm chủng bởi tần suất các mũi tiêm cho trẻ 1 tuổi hiện nay quá dày đặc, khiến nguy cơ tai biến dễ xảy ra. Quan điểm của ông về vấn đề này? 

- Lịch tiêm vaccine cho trẻ em ở nước ta trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đa số các nước trên thế giới cũng đang áp dụng lịch tiêm chủng này. Để giảm số mũi tiêm, gần đây chương trình cũng đã đưa vào sử dụng các vaccine phối hợp như loại vaccine “5 trong 1”, do đó cũng giảm nguy cơ tai biến sau tiêm chủng cho trẻ.

Cần chuẩn bị kỹ trước khi cho trẻ đi tiêm chủng

PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, để giảm thiểu nguy cơ gặp tai biến sau tiêm chủng, các bậc phụ huynh trước khi đưa con đi tiêm chủng cần tìm hiểu kỹ để biết được lợi ích cũng như các tác dụng phụ và tai biến có thể xảy ra khi tiêm chủng. Thứ hai, cần biết lịch tiêm chủng để có thể cho trẻ đi tiêm chủng đúng thời hạn (tác dụng phòng bệnh đạt hiệu quả cao hơn) và các trường hợp trì hoãn hoặc không có chỉ định tiêm chủng. Thứ ba, khi cho trẻ đi tiêm chủng phải bảo đảm trẻ không có vấn đề gì về bệnh tật, sức khỏe (nếu có thì cần được tư vấn của bác sĩ trước khi tiêm phòng). Cũng theo PGS.TS Phạm Nhật An, để phòng tai biến nguy hiểm có thể xảy ra sau tiêm chủng (dù rất hiếm), tại các địa điểm tiêm chủng cần được trang bị các hộp chống sốc và trang thiết bị xử lý tai biến. Trẻ sau tiêm chủng cần được theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm các tai biến và điều trị kịp thời.