Lo ngại số ca ngộ độc rượu methanol chưa dừng lại

ANTD.VN - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho rằng, có 2 lý do khiến ngộ độc rượu pha methanol vẫn xảy ra, đó là vẫn còn người bán và uống rượu không rõ nguồn gốc.

Sau gần 1 tháng tạm lắng, cuối tuần qua, Hà Nội lại ghi nhận 2 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol phải nhập viện cấp cứu. Làm thế nào để hạn chế được những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng này? Các bộ ngành liên quan thừa nhận, đây là chuyện không đơn giản.

Lo ngại số ca ngộ độc rượu methanol chưa dừng lại ảnh 1Một trong 2 bệnh nhân ngộ độc methanol mới nhất vẫn đang hôn mê

Lén lút kinh doanh, uống rượu lậu

Ngày 10-4, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP số 1 TP Hà Nội đã kiểm tra, làm việc với UBND quận Ba Đình và quận Đống Đa - nơi có 2 bệnh nhân ngộ độc rượu pha methanol mới nhất hiện đang phải nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Hoàng Hy Thiêm, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình cho biết, qua kiểm tra quán nước tại ngõ 575 Kim Mã, phát hiện 1 bình rượu “Thóc vàng” 20 lít, đã sử dụng khoảng 10 lít. Cơ sở này cho biết mua rượu của một công ty ở Hải Dương nhưng chưa có đầy đủ chứng từ, hóa đơn mua bán chứng minh nguồn gốc. Cơ sở cũng không có giấy đăng ký kinh doanh, Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong bình rượu, lấy mấu rượu gửi kiểm nghiệm.

“Vợ bệnh nhân P. (50 tuổi, phường Ngọc Khánh, Ba Đình) gọi điện báo trong nhà bà có một can rượu 5 lít do con trai mua về. Qua kiểm tra thấy can rượu đã sử dụng khoảng 1 lít, bên ngoài không có nhãn mác gì. Chúng tôi đã lấy mẫu gửi kiểm nghiệm. Hiện cả 2 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm”, ông Thiêm thông tin. 

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết thêm, chưa thể xác định được bệnh nhân P. ngộ độc methanol do uống rượu ở quán hay uống rượu ở nhà bởi theo người nhà bệnh nhân này thì bệnh nhân nghiện rượu nặng, trung bình mỗi ngày uống tới… 1 lít rượu. Dù vậy, qua quá trình kiểm tra, truy tìm rượu độc, lực lượng chức năng của quận và phường phát hiện vẫn còn một số hộ dân, cơ sở kinh doanh lén lút mua bán, sử dụng rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Tính chung đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận 30 ca ngộ độc rượu methanol, 4 ca tử vong. Qua xác minh, hầu hết trường hợp ngộ độc đều uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác tại các quán cơm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ hoặc tại nhà… 

Đề xuất tăng nặng chế tài xử lý 

Lý giải về việc tại sao Hà Nội liên tục kiểm tra, rà soát trong gần 2 tháng qua mà vẫn còn người ngộ độc rượu methanol, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung thừa nhận, việc quản lý rượu thông qua những lần kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác chỉ là “chặt cây từ ngọn”, cần các biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cũng cho rằng, vẫn còn người ngộ độc rượu methanol là do vẫn còn một số cơ sở lén lút kinh doanh và người dân vẫn sử dụng loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Tại Hội thảo “Tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xử trí, điều trị ngộ độc rượu có methanol cao” do Bộ Y tế tổ chức ngày  10-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phân tích, các quy định về quản lý rượu ở nước ta hiện có nhiều nhưng chưa thật chặt chẽ.

“Ngay trong những vụ ngộ độc rượu gây tử vong vừa qua nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa thật rõ. Ngành Y tế, NN&PTNT hay Công Thương… phải chịu trách nhiệm chính, cần phân định rõ ràng hơn. Chúng ta không thể cấm uống rượu, vậy quản lý và sử dụng rượu như thế nào là vấn đề phải đặt ra?” – Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến dự báo, những cái chết tức tưởi hay những ca di chứng nặng nề do uống phải rượu pha methanol chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng. Muốn quản lý được, tất cả các bộ, ban, ngành đều phải vào cuộc với trách nhiệm cao, một cách bài bản, khoa học với những biện pháp hợp lý. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương cho rằng, ở nước ta, ngoài rượu sản xuất công nghiệp thì rượu người dân tự nấu hoặc sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, làng nghề lại rất phổ biến nên việc quản lý hết sức khó khăn.

“Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội xem xét thông qua việc sửa đổi điều luật liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về ATTP trong Bộ luật Hình sự theo chiều hướng tăng nặng”- ông Cường nói. Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ này đã đề xuất bắt buộc phải pha màu vào cồn công nghiệp methanol để phân biệt cồn công nghiệp với cồn thực phẩm và tránh việc sử dụng chất độc này trong chế biến thực phẩm. 

Rượu tự nấu không thể có hàm lượng methanol gây ngộ độc

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, rượu nấu thông thường có thể có phát sinh hàm lượng methanol trong quá trình chưng cất nhưng hàm lượng này không đủ lớn để có thể gây ngộ độc. Những vụ ngộ độc methanol vừa qua đều là do rượu sản xuất bị chủ ý pha methanol vào, hàm lượng methanol rất cao. Vì thế, cần tập trung vào thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu nhỏ lẻ bởi các đây chính là nơi mua, sử dụng nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác.