Lo ngại dịch viêm phổi, một doanh nghiệp Trung Quốc hủy mua 6.000 tấn thanh long

ANTD.VN -Lo ngại dịch viêm phổi cấp do virus Corona Vũ Hán, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương (Trung Quốc) đã hủy 300 conteiner thanh long ruột đỏ, tương đương 6.000 tấn của Việt Nam.

Chiều nay, 31/1, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, lo ngại dịch viêm phổi cấp do virus Corona Vũ Hán, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương (Trung Quốc) đã hủy 300 conteiner thanh long ruột đỏ, tương đương 6.000 tấn của Việt Nam.

Theo ông Toản, phía công ty đã có thiện chí hỗ trợ 50 triệu/conteiner, nhưng so với giá trị chưa tương xứng.

“Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo vào cuộc chủ động, không chủ quan vì dịch bệnh là bất khả kháng. Bộ trưởng mong muốn bà con bình tĩnh, phối hợp với các sở, ngành địa phương, doanh nghiệp, tránh tư thương ép giá, lợi dụng tình hình”- ông Toản cho hay.

Thanh long ruột đỏ của Việt Nam được dự báo sẽ gặp khó do dịch viêm phổi cấp Vũ Hán

Theo ông Toản, doanh nghiệp cung cấp nông sản Hồng Thái Dương nhập khẩu 30-40% thanh long ruột đỏ của tỉnh Long An cung cấp cho thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Việc hủy nhập khẩu 300 conteiner này đã dẫn đến việc cung ứng  thanh long ruột đỏ chủ yếu vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.

Trong khi mùa vụ thu hoạch thanh long ruột đỏ tại Long An từ nay đến 8/2 (rằm tháng Giêng) vào khoảng 21.000 tấn; từ 8/2 đến 28/2 là 54.000 tấn. Đến đầu tháng 3, thanh long ở tỉnh Tiền Giang sẽ vào mùa thu hoạch rộ khoảng 10.000 tấn.

Theo ông Toản, mặc dù cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa trở lại ngày 3/2, nhưng Trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) - địa bàn trung chuyển- lại thông báo nghỉ giao dịch đến hết 8/2. Cùng với đó, các chợ dọc biên giới các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) cũng hạn chế giao dịch đến 8/2.

Thực tế, phía Trung Quốc đã thông báo kéo dài lịch nghỉ Tết đến 2/2. Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc cũng cho nhân viên nghỉ đến ngày 8/2. “Tác động đầu tiên là các nhà hàng, khách sạn Trung Quốc giảm nhu cầu ăn uống. Ngay Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế tụ tập đông người, nên sức mua giảm” – ông Toản chia sẻ.

“Các cửa khẩu quốc tế sẽ quay trở lại làm việc từ 3/2. Hàng hóa vẫn chạy sang, nhưng chợ đầu mối vẫn chưa mở, người chưa đến; đến rằm tháng Giêng (8/2) mới mở thì sẽ gặp chênh lệch thời gian. Dự báo, tình hình cung cục bộ của thanh long sẽ gặp khó khăn” - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho hay.

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nắm bắt tình hình kịp thời và thực hiện nghiêm theo Chỉ thị của Ban bí thư, các chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ đã giao Cục Trồng trọt đi khảo sát từng huyện, xã để rà soát, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Về lâu dài, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần rà soát mùa vụ, để có lịch thu hoạch hợp lý.

Hiện nay, kho lạnh ở vùng trọng điểm trồng thanh long công suất chưa nhiều. Qua khảo sát, có 154 cơ sở sơ chế, đóng gói ở Long An, nhưng kho lạnh chỉ giải quyết 12.000 tấn. Chính vì thế, ngay trong chiều nay, Bộ có văn bản gửi các địa phương trọng điểm, rà soát từng cơ cấu sản phẩm trái cây theo lịch chi tiết cụ thể.

Được biết, đầu tuần tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Bộ Công Thương, các siêu thị để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Đề nghị Bộ Công Thương làm việc Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, phát huy hết hệ thống kho, nhất là kho lạnh, nhằm chia sẻ khó khăn với bà con nông dân.