Lo ngại 'đại dịch HIV' tái phát sau lệnh đóng băng viện trợ của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lệnh đóng băng viện trợ của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đảo ngược thành tựu về phòng chống HIV/AIDS ở Mỹ Latinh hàng chục năm qua. Các nhóm cứu trợ ở Mỹ Latinh đang kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ để duy trì công việc của mình.

Gần 30 năm trước, ông Rosember Lopez đã nhận được chẩn đoán chấn động: Ông bị nhiễm HIV. Nguồn lực hỗ trợ người HIV của chính phủ Mexico thời điểm đó rất hạn chế, nên ông Lopez đã tham gia các nhóm vận động để đảm bảo nguồn tài trợ cần thiết cho thuốc men điều trị.

Trải nghiệm này đã truyền cảm hứng cho ông thành lập tổ chức riêng tại Tapachula, miền Nam Mexico để giúp xóa bỏ kỳ thị đối với HIV với sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ. Nhưng hiện tại, tổ chức của ông là một trong số hàng chục nhóm cứu trợ trên khắp Mỹ Latinh đang gặp nguy hiểm do chính quyền của Tổng thống Donald Trump đóng băng hầu hết các khoản viện trợ quốc tế và cắt giảm mạng lưới phát triển toàn cầu.

Các chương trình hỗ trợ điều trị và dự phòng HIV đã cứu sống hàng chục triệu người trên khắp thế giới

Các chương trình hỗ trợ điều trị và dự phòng HIV đã cứu sống hàng chục triệu người trên khắp thế giới

Mất phao cứu sinh

Các tổ chức như ông Rosember Lopez lập ra giúp những người mắc bệnh này tiếp cận các loại thuốc kháng virus cần thiết để giảm nguy cơ lây truyền và mang đến cho họ cơ hội có một cuộc sống lâu dài, khỏe mạnh. Sau khi nghe tin về lệnh đóng băng viện trợ vào cuối tháng 1-2025, ông Lopez bắt đầu lo lắng không chỉ về tương lai của tổ chức của mình, mà còn về những ca tử vong có thể xảy ra do thiếu dịch vụ chăm sóc HIV.

Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Mỹ về phòng chống AIDS (PEPFAR), một chương trình từ thời Tổng thống George W. Bush nằm trong số những chương trình bị ảnh hưởng theo quyết định của ông Donald Trump.

PEPFAR đã trở thành phao cứu sinh cho những người sống chung với HIV và AIDS, cứu sống hàng chục triệu người trên khắp thế giới kể từ khi thành lập. Nhưng lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài của ông Donald Trump bao gồm lệnh ngừng hoạt động đối với tất cả các nhóm viện trợ để ngay lập tức dừng các chương trình do Mỹ tài trợ. Mặc dù Bộ Ngoại giao sau đó đã ban hành lệnh miễn trừ cho viện trợ “cứu mạng”, một số nhóm viện trợ cho biết nguồn tài trợ vẫn bị dừng lại.

Việc thiếu nguồn tài trợ từ Mỹ đã tác động đến các tổ chức ở Colombia. Một số tổ chức, như Red Somos, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc HIV cho những người di cư Venezuela, đã buộc phải cắt giảm mạnh hoạt động của mình. Ông David Marquez, điều phối viên bảo vệ xã hội của nhóm cho biết, khoảng 300 người di cư Venezuela mắc HIV không thể tiếp tục điều trị vì được điều hành với sự hỗ trợ của PEPFAR. “Điều này có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của họ”, ông Marquez nói.

Nếu không có sự cho phép rõ ràng từ Mỹ để tiếp tục hoạt động, Red Somos đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung hơn 170 loại thuốc kháng virus. Nhóm cũng đã phải tạm dừng các dịch vụ giáo dục, bảo vệ xã hội và sức khỏe tâm thần kể từ tháng 1-2025.

Tại Haiti, Tiến sĩ Alain Casseus và các đồng nghiệp tại tổ chức chăm sóc sức khỏe Zanmi Lasante đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh đóng băng viện trợ. Hàng nghìn người Haiti dựa vào họ để được chăm sóc HIV, nhưng “về cơ bản, chúng tôi phải giảm hoạt động”, ông nói.

Mở cánh cửa cho HIV tái phát?

Các nhóm cứu trợ đã cảnh báo rằng, việc dừng các chương trình như PEPFAR có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người và ngừng điều trị HIV có khả năng mở ra cánh cửa cho HIV tái phát.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc ngừng cung cấp thuốc điều trị có khả năng mở ra cánh cửa cho HIV tái phát

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc ngừng cung cấp thuốc điều trị có khả năng mở ra cánh cửa cho HIV tái phát

Trong một số trường hợp, việc gián đoạn điều trị có thể khiến HIV tái phát trong vòng chưa đầy một tháng và có thể dẫn đến các chủng kháng thuốc hơn phát sinh, Tiến sĩ Craig Spencer, bác sĩ cấp cứu và giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown nhận định: “Chúng ta đang tự bắn vào chân mình”.

“Nếu PEPFAR không được tái cấp phép trong 4 năm tới và không có các nguồn lực khác để ứng phó với HIV, sẽ có 6,3 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong tương lai gần, tăng 400%”, ông Christine Stegling, Phó giám đốc điều hành của cơ quan Liên hợp quốc về phòng chống HIV và AIDS, nhận định.

“Giống như máy bay hạ cánh khẩn cấp vậy. Sự hỗn loạn có thể lên đến mức cực độ và việc phục hồi sau sự gián đoạn đó không hề dễ dàng”, Asia Russell, Giám đốc điều hành của Health GAP, một tổ chức ủng hộ điều trị HIV toàn cầu, nói.