Lo ngại CPI giảm sâu

ANTĐ - Không có gì ngạc nhiên khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,39%, thuộc loại thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2004 đến nay. 

Theo quy luật, sau hai tháng vừa có Tết Dương lịch, Tết Âm lịch cách xa nhau, chỉ số CPI thông thường đều giảm, nhất là năm nay hàng tồn kho thuộc loại “kỷ lục” từ nhiều năm nay cộng hưởng với sức tiêu thụ hầu hết các nhóm hàng hóa đều sụt giảm, ngay cả trong tháng có Tết Nguyên đán. Vì sao CPI tháng 3 và 3 tháng đầu năm giảm sâu, những yếu tố lạm phát có còn ẩn chứa nguy cơ quay trở lại hay không?

Phân tích những số liệu của Tổng cục Thống kê, dưới con mắt của giới chuyên gia nghiên cứu giá cả thị trường, diễn biến chỉ số CPI có thể xác định nguyên nhân và dự báo CPI trong những tháng còn lại. Có một yếu tố hết sức quan trọng tác động mạnh nhất là tổng cầu đã “co” lại trông thấy. Cụ thể, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt rất thấp so với kế hoạch cả năm: hai tháng đầu năm chỉ đạt 10,5% kế hoạch và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước với mức 8,1%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn nữa. Điều đáng quan tâm là nguồn vốn của doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng khá chậm, thậm chí còn bị giảm khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp bị ngừng hoạt động, giải thể. Chưa kể xu thế thu hẹp sản xuất vẫn áp đảo xu thế mở rộng.

Có một thực tế đáng lo ngại, sức mua của thị trường, biểu hiện chủ yếu ở chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,6%, tốc độ tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngoảnh lại phía sau, tốc độ tăng tồn kho vẫn chưa giảm, thậm chí còn cao và phổ biến từ sản xuất nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng cho đến lưu thông tiền tệ, tín dụng, bất động sản. Còn một hiện trượng hiếm thấy trong nhiều năm qua là giá lương thực tăng thấp so với cuối năm trước và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước lại diễn ra ngay vào dịp Tết Âm lịch, nhất là vào thời kỳ giáp hạt kéo dài ở phía Bắc. Chỉ số giá cả 3 tháng qua tăng thấp là dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo? Các “liệu pháp” hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang được Chính phủ thực hiện với liều lượng cao hơn, cường độ mạnh hơn và tốc độ nhanh hơn. Trong khi đó, còn ngổn ngang 3 cuộc đột phá chiến lược cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư. Các chuyên gia lưu ý rằng, ngay cả khi lãi suất cho vay sẽ giảm xuống và lãi suất  huy động cũng giảm xuống ít nhất 1%, thì sẽ không còn sức hấp dẫn với người gửi tiền. Tỷ giá sẽ nhúc nhích tăng và sẽ có tác động “kép” đến lạm phát cả về chi phí đẩy lẫn lạm phát tâm lý.

Chỉ số CPI giảm, theo nhận định của giới phân tích, lại là mối lo ngại khi một số mặt hàng tạm dừng tăng giá theo lộ trình cơ chế thị trường, sẽ có cớ để tiếp tục tăng; nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ, ngành; nếu không có sự cân nhắc thận trọng về liều lượng và thời gian. Với tốc độ tăng CPI 3 tháng đầu năm, 9 tháng còn lại chỉ còn được tăng 4,01%.