Lo ngại 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc sát biên giới Việt Nam

ANTD.VN - Việc 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm sát lãnh thổ nước ta vừa đi vào vận hành đã làm dấy lên những quan ngại về vấn đề an toàn hạt nhân trong trường hợp xảy ra sự cố.

Một tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cách biên giới Việt Nam chỉ khoảng 50km

Trong thời gian 2 năm 2015-2016, Trung Quốc đã liên tục đưa nhiều tổ máy của 3 nhà máy điện hạt nhân nằm sát lãnh thổ nước ta vào hoạt động. Ba nhà máy này gồm Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và nhà máy điện hạt nhân Xương Giang tại đảo Hải Nam.

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành có công suất 1.000 MW với tổ máy số 1 được kết nối với lưới điện quốc gia của Trung Quốc từ tháng 10-2015. Tổ máy số 2 của nhà máy này cũng vừa vận hành thử, lần đầu hòa lưới điện quốc gia của Trung Quốc hôm 15-7 để chuẩn bị cho việc đưa các tổ máy vào vận hành thương mại cuối năm nay.

Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang tổng công suất 600 MW có 3 tổ máy lần lượt được vận hành thương mại vào tháng 3, tháng 6-2015 và tháng 1-2016. Trong các ngày 22-8 và 23-9 vừa qua, tổ máy số 4 đã hoàn thành thử nghiệm trước khi chính thức đi vào hoạt động.

Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã hoàn tất thử nghiệm tổ máy số 2, hòa lưới điện quốc gia để chính thức vận hành thương mại từ ngày 15-8. Trước đó, tổ máy số 1 có tổng công suất 650 MW của nhà máy này cũng đã vận hành thương mại vào tháng 12-2015.

Điều đáng chú ý là cả 3 nhà máy điện hạt nhân trên của Trung Quốc đều nằm rất gần với lãnh thổ nước ta. Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành chỉ cách thành phố biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 50km, cách Hà Nội dưới 500km.

Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng khoảng 100km và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang xa nhất cũng chỉ cách biên giới Việt Nam hơn 200km.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn trên 1.000 MW cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp.

Theo đó, cần phân thành 4 vùng: 1- Vùng bảo vệ khẩn cấp (PAZ) không được quy hoạch có dân cư trong bán kính từ 3-5km; 2- Vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (UPZ) có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với cư dân bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố từ 15-30km; 3- Khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD) trong phạm vi dưới 100km; 4- Khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD) phạm vi dưới 300km.

Như vậy, theo khuyến cáo của IAEA, tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam thuộc khu vực EPD và ICPD của cả 3 nhà máy điện hạt nhân mà Trung Quốc đã và đang đưa vào vận hành nói trên.

Trước lo ngại 3 nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Trường Giang và Xương Giang của Trung Quốc có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có trao đổi với phía Trung Quốc về vấn đề này và sẽ sớm cử đoàn Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký kết thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân của Việt Nam với Cơ quan An toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề ảnh hưởng của phóng xạ tới nước ta.

Dù công nghệ hiện đại đến đâu thì mọi nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đều có những xác suất rủi ro. Bởi vậy, chúng ta phải luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, từ lập hệ thống quan trắc đến phổ biến kiến thức về sự cố hạt nhân cho người dân. 

Việt Nam đã có kế hoạch dự phòng

Từ năm 2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 24/2012/TT-BKHCN hướng dẫn lập và phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp cơ sở và cấp tỉnh. Năm 2014, Bộ tiếp tục ban hành Thông tư số 25/2014/TT-BKHCN quy định về chuẩn bị thực hiện ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.

Cuối năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đưa ra dự thảo Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia nhằm thiết lập hệ thống tổ chức, năng lực ứng phó quốc gia một cách thống nhất, toàn diện, phối hợp đồng bộ, có tổ chức giữa các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó, ứng phó kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu tối đa những thiệt hại về con người, môi trường và tài sản do sự cố gây ra. 

Theo dự thảo, việc chỉ đạo và phối hợp các hoạt động ứng phó trong sự cố bức xạ, hạt nhân được thực hiện theo 3 nguyên tắc:

1- Chỉ huy thống nhất, phân công cụ thể, chủ động, kịp thời và phù hợp với diễn biến thực tế của sự cố đang diễn ra; kết hợp hài hòa giữa ứng phó phóng xạ với ứng phó phi phóng xạ; căn cứ vào tình huống chiếu xạ cụ thể để điều phối các hoạt động ứng phó phi phóng xạ kịp thời, hợp lý nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, môi trường và tài sản do bức xạ gây ra.

2- Đối với sự cố bức xạ, hạt nhân, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị và ứng phó sự cố trong khu vực cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các hoạt động ứng phó sự cố ngoài cơ sở.

3- Trong ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp quốc gia, Ban Chỉ đạo Nhà nước về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân quốc gia giữ vai trò chủ trì điều phối chung các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân; Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn điều phối chung các nguồn lực ứng phó phi phóng xạ.