Lo nâng cao chất lượng

ANTĐ - Nếu được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp này, thì các bệnh viện ở Hà Nội sẽ điều chỉnh giá 819 dịch vụ khám chữa bệnh, dự kiến bắt đầu từ ngày 1-8 tới. Đương nhiên là các bệnh viện vui mừng vì giá cũ đã áp dụng gần 20 năm nay đã quá lỗi thời, còn người dân thì tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Số tiền cùng chi trả với bảo hiểm y tế sẽ tăng theo. Không phải mọi người đều có thẻ bảo hiểm nên việc tăng giá viện phí sẽ trở thành một gánh nặng đối với người bệnh. Nỗi lo lớn nhất vẫn là, chất lượng khám chữa bệnh có tăng theo giá mới?

Theo đề nghị của UBND TP Hà Nội, hàng năm các bệnh viện được phép thu phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám chữa bệnh để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, mua sắm trang thiết bị, các dụng cụ khám đa khoa, chuyên khoa. Trên thực tế, không đợi đến khi các cơ quan quản lý có quyết định chính thức tăng giá dịch vụ y tế, nhiều bệnh viện đã “tự động” điều chỉnh một loạt giá viện phí với lý do: giá quá thấp không thể bù đắp được chi phí dịch vụ cho nên phải đóng thêm. Lãnh đạo một số bệnh viện lớn ở Hà Nội bày tỏ nỗi khổ khi bệnh viện áp dụng mức viện phí cũ trong việc sử dụng các phương tiện, thiết bị công nghệ, kỹ thuật khám điều trị tiên tiến, trong khi đó bệnh viện phải chi nhiều loại phí “lặt vặt” không thể kể ra hết, nhưng cộng dồn lại là cả một khoản tiền đáng kể. Tuy nhiên, để đảm bảo yêu cầu chữa trị bệnh cũng như chất lượng y tế, bệnh viện vẫn phải bù lỗ. 

Nếu không điều chỉnh giá viện phí, bệnh viện không thể giảm bớt áp lực về tài chính để nâng cấp trang thiết bị và nâng cao chất lượng điều trị, nhất là với tình trạng bệnh nặng ngày càng gia tăng. Giám đốc một bệnh viện đa khoa ở nội thành chia sẻ nỗi lo của người bệnh khi cho biết, mặc dù bệnh viện đang thực hiện khoảng 1.400 dịch vụ kỹ thuật y khoa, song bệnh viện chỉ đề xuất tăng giá đợt này khoảng hơn 300 dịch vụ. Viện phí buộc lòng phải đề nghị điều chỉnh bởi không còn lựa chọn nào khác. Việc điều chỉnh sẽ làm cho các bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm khám chữa bệnh, không phải “co kéo” cân nhắc các xét nghiệm cần thiết vì lo người bệnh không có khả năng đóng phần chênh lệch như hiện nay. Vì vậy, khi tăng viện phí mới, người bệnh không phải đóng phần chênh lệch. Chẳng hạn, trước đây muốn nằm phòng máy lạnh, người bệnh phải nộp thêm 100 nghìn đồng, nhưng khi điều chỉnh giá, nếu bệnh viện thu tiền giường 100 nghìn đồng/ngày, thì người bệnh chỉ phải đồng chi trả 20%. Theo UBND TP Hà Nội, trong 819 dịch vụ được đề nghị điều chỉnh giá, có 5 dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; 9 dịch vụ về giường bệnh; 373 dịch vụ kỹ thuật và 333 dịch vụ về phẫu thuật. Liên quan tới giá viện phí, người dân còn lo về giá thuốc, một phần tất yếu gắn liền tới chất lượng khám chữa bệnh. 

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, tiếp cận dịch vụ y tế, trong đó có thuốc chữa bệnh là quyền được chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân. Giá dịch vụ cũng như giá thuốc cần được Nhà nước theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, bởi vì giá cả là rào cản lớn nhất đối với người dân, nhất là người nghèo trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.