“Kẻ” phá vỡ cuộc hôn nhân Tom Cruise - Katie Holmes:

Lộ mặt giáo phái bí hiểm và tai tiếng

ANTĐ - Không phải cho đến khi cuộc hôn nhân của cặp đôi Tom Cruise và Katie Holmes tan vỡ, người ta mới nhắc đến cái tên giáo phái Scientology, mà trước đó, Scientology được biết tới như một giáo phái gây nhiều tranh cãi, ưa kiện tụng và lừa đảo những người cả tin.

Giáo phái Scientology từng bị phản đối tại nhiều nước


Ưa kiện tụng và lừa đảo

Mới đây nhất, đầu năm 2012, giáo phái Scientology đã bị một tòa án ở Paris (Pháp) kết tội lừa đảo những người cả tin và tuyên phạt số tiền hàng trăm nghìn euro. Giáo phái này bắt các tín đồ nộp những khoản tiền khổng lồ để có thể trở thành hội viên. Ngoài ra, họ còn bị ép buộc mua sách vở và băng đĩa tuyên truyền, thậm chí cả… thuốc bổ từ Scientology. 

Catherine Picard, người đứng đầu tổ chức chuyên chống lại các giáo phái  khẳng định, Scientology đã khiến nhiều gia đình tan vỡ do lâm vào cảnh nợ nần vì Giáo phái luôn yêu cầu đóng những khoản tiền, các khoGiáo phái Scientology từng bị phản đối tại nhiều nước

ản quyên góp khổng lồ. Nhiều người từng là thành viên của giáo phái này đã công khai chỉ trích Scientology chỉ đặc biệt “chăm sóc” những người lắm tiền nhiều của. 

Đặc biệt, theo luật của Scientology, con của các tín đồ cũng phải theo học trại huấn luyện riêng có tên gọi Sea Organisation (Sea Org). Nam diễn viên đoạt giải Oscar Paul Haggis, người đã rút khỏi giáo phái Scientology, từng phê phán sự huấn luyện khủng khiếp của Sea Org. Ông kể, những người trưởng thành bị huấn luyện sẽ phải chịu đựng quy định khắc nghiệt, nếu vi phạm bất kỳ quy định nào sẽ bị trừng phạt hà khắc. Hầu hết các tín đồ phải ở trong Sea Org khoảng 30 năm và mất hết liên lạc với gia đình, bạn bè. Theo Telegraph, việc Tom Cruise quyết định cho con gái Suri tham gia Sea Org chính là giọt nước làm tràn ly khiến Katie Holmes quyết đệ đơn ly dị.

Scientology cũng nổi tiếng là một tổ chức ưa kiện tụng, đặc biệt với những người chống đối giáo phái. Một trong những quan điểm cực đoan của giáo phái này là chính sách không liên hệ. Theo đó, thành viên của giáo phái phải cắt đứt liên lạc với những người thân hoặc bạn bè nghi ngờ và phản đối tổ chức này. Scientology cũng đã đối mặt với nhiều cáo buộc đe dọa và lạm dụng thân thể tín đồ, lừa đảo có tổ chức, tham nhũng quỹ nhà thờ.  

Giáo phái này từ lâu đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là ở châu Âu. Tại Mỹ, Scientology còn được công chúng gọi là dòng đạo của giới nhà giàu hay thứ tôn giáo ngự trị kinh đô điện ảnh Hollywood. Hàng loạt minh tinh màn bạc trứ danh đã gia nhập giáo phái này như Tom Cruise, John Travolta. Ngay tại kinh đô điện ảnh Hollywood, khách du lịch được mời dự các cuộc thử nghiệm miễn phí để giới thiệu giáo phái này. 

Tuy nhiên, một khi đã tham gia vào giáo phái, các thành viên sẽ phải trả hàng chục nghìn USD để đạt được cấp độ cao hơn của sự giác ngộ, bao gồm cả trạng thái “siêu thoát” trên con đường tới sự cứu rỗi. Mức giá đầu tiên chỉ khoảng 100 USD để được học những giáo lý đơn giản, nhưng để đạt được mức độ cao hơn, giá trung bình ít nhất là 300.000 USD. “Nếu bạn đi vào con đường tâm linh hướng tới trạng thái “siêu thoát”, bạn phải chi trả từ vài nghìn USD đến vài chục nghìn USD trong vài năm đầu tiên” -  Pressley, một cựu thành viên của giáo phái này giải thích. Tuy nhiên, những người không có đủ tiền có thể làm việc cho giáo phái như một cách để “trả nợ”.

“Kẻ thứ ba” - David Miscavige 

David Miscavige (trái) luôn xuất hiện trong những sự kiện lớn của Tom Cruise

Khi Tom Cruise trao lời hẹn ước với Katie Holmes vào ngày 18-11-2006 tại lâu đài Odesclchi lừng danh ở Italia, có những người bạn thân của nam diễn viên này như Jennifer Lopez, Will Smith and Victoria 

Beckham đứng bên cạnh, nhưng có lẽ người bạn thân nhất có mặt tại đám cưới của siêu sao điện ảnh này không ai khác chính là David Miscavige.  Tạp chí US đã tiết lộ những điều chưa biết về David Miscavige:

Miscavige sinh ra ở Philadelphia và được chính cha mình cho làm quen với Scientology. Ông đã gửi cậu bé David tới một lớp học của Scientology để chữa bệnh hen suyễn và dị ứng. Ở tuổi 16, Miscavige đã được bố cho phép bỏ học và gia nhập trại Sea Org. 6 năm sau, Miscavige đã được làm trợ lý cho Hubbard, người sáng lập giáo phái và đảm nhận vai trò lãnh đạo của mình như hiện tại từ năm 1980.

Vợ của Miscavige, Michelle “Shelly” Miscavige - một thành viên của Sea Org, người xem cho là người “vun vén” cho Cruise và Holmes vào năm 2005 - đã không xuất hiện công khai kể từ năm 2007, tuy nhiên, giáo phái này khẳng định cô không phải bị mất tích. 

Trở lại thời gian tháng 11-2006, Miscavige bị đồn rằng đã “áp tải” Cruise trong tuần trăng mật của cặp vợ chồng siêu sao này tới Maldives trên con tàu trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, đại diện của giáo phái này đã phủ nhận thông tin trên. 

Ngay cả các thành viên trong gia đình Miscavige cũng lên tiếng ủng hộ quyết định của Holmes để bảo vệ con gái. “Từ kinh nghiệm của một người lớn lên trong môi trường Scientology, có thể nói rằng, đó là sự lạm dụng cả về tinh thần và thân thể. Chúng tôi nhận được một sự giáo dục tệ hại từ những giáo viên không đủ tư cách, trình độ, bị cưỡng bức lao động nhiều giờ, bị buộc phải thú tội, bị nhốt trong các căn phòng, không được quan tâm đến những nỗi đau tinh thần… Là một người mẹ, tôi ủng hộ Katie và mong cô có đủ sức mạnh để làm những gì tốt nhất cho cô và con gái” - Jenna Miscavige Hill, cháu gái của Miscavige, người từng là thành viên của Scientology nói.

Khi đề nghị của Holmes được quyền chăm sóc con gái Suri, 6 tuổi được chấp thuận, Tom Cruise đã dựa vào vai Miscavige, người mà nam diễn viên này coi là “một người bạn thực sự”. Cruise nói: “Tôi chưa bao giờ gặp một người giỏi giang, thông minh, khoan dung và từ bi hơn L. Ron Hubbard - người sáng lập Scientology”.

Giáo phái Scientology được thành lập vào năm 1954 bởi nhà văn chuyên viết về khoa học viễn tưởng Mỹ Laffaet Ronald Hubbard với tôn chỉ đối diện nỗi buồn để tự giải thoát. Các thành viên tìm đến với Scientology với mong muốn giải tỏa về tâm lý theo phương pháp điều trị của Hubbard. Người bệnh được gợi nhớ và đối diện với những kỷ niệm đau buồn trong quá khứ, từ đó, họ sẽ tự giải thoát bản thân khỏi phiền muộn, ám ảnh. Giáo phái này tuyên bố hiện có 12 triệu thành viên trên khắp thế giới.

Bị “cấm cửa” ở nhiều nơi

Ở Anh, Scientology không được công nhận là hợp pháp. Năm 1968, chính phủ Anh đã cấm các tín đồ giáo phái này nhập cảnh để đến tổng bộ của họ đóng ở West Sussex. Năm 1969, tòa án tối cao Anh đã bác đề nghị của Scientology về việc cho xây dựng một giáo đường được pháp luật công nhận trên lãnh thổ nước này. Năm 1999, Ủy ban từ thiện Anh cũng từ chối đề nghị biến Scientology thành một tổ chức từ thiện. 

Tại Pháp, năm 1995, Quốc hội Pháp liệt Scientology vào thành phần “thuần túy tà giáo”, đồng thời đề nghị cấm tất cả các hoạt động của giáo hội này. Còn ở Hy Lạp, từ tháng 3-1969, chính phủ nước này đã tuyên bố hơn 200 tín đồ giáo phái này “không được hoan nghênh” đồng thời ra lệnh trục xuất. Năm 1997, tòa án tối cao Hy Lạp ra phán quyết coi Scientology là tổ chức trái phép và bắt buộc giải thể. Ở Đức, Nauy, Bỉ, Tây Ban Nha…, Scientology 
cũng không được thừa nhận.