Lo mai một tiếng mẹ đẻ

ANTĐ - Tiếng mẹ đẻ giữ vai trò rất quan trọng trong việc làm phong phú thêm sự đa dạng của nền văn hóa nhân loại song hàng nghìn ngôn ngữ trên thế giới lại đang phải đối mặt với nguy cơ bị mai một, biến mất.

Hoạt động kỷ niệm Ngày tiếng mẹ đẻ tại Australia - quốc gia có nhiều người bản xứ sinh sống

Trong thông điệp gửi tới tất cả các quốc gia thành viên UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ nhân Ngày Tiếng mẹ đẻ (21-2), Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) Irina Bokova đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ trong việc làm phong phú thêm sự đa dạng của nền văn hóa nhân loại. Không những thế, theo bà Bokova, tiếng mẹ đẻ còn giúp các nước, các dân tộc thành công hơn trong cuộc chiến chống mù chữ và nâng cao hiệu quả của ngành giáo dục.

Vì thế, Tổng Giám đốc UNESCO kêu gọi các quốc gia, các tổ chức chính trị, xã hội và tất cả mọi người cùng hành động, góp sức vào việc bảo tồn và thúc đẩy sự phát triển của các nền văn hóa của nhân loại trên cơ sở thừa nhận tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ và sự đa dạng văn hóa, giáo dục bằng ngôn ngữ và sách báo tiếng mẹ đẻ. Bà Bokova cảnh báo nếu thế giới không có các biện pháp cấp thiết và hữu hiệu, sẽ có khoảng 50% trong tổng số khoảng 6.000 ngôn ngữ mà con người đang sử dụng sẽ tự mất đi, trở thành ngôn ngữ “chết” vào nửa cuối thế kỷ này.

Trong khoảng 6.000 ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới hiện nay, hơn 200 ngôn ngữ đã biến mất, 538 ngôn ngữ gần như không còn được sử dụng, 502 ngôn ngữ trong tình trạng báo động nghiêm trọng, 632 ngôn ngữ có nguy cơ và 607 ngôn ngữ trong tình trạng không an toàn. Gần 200 ngôn ngữ chỉ có chưa đầy 10 người sử dụng, 178 ngôn ngữ chỉ có từ 10 đến 50 người sử dụng. Ấn Độ, Brazil, Mỹ, Indonesia và Mexico là các nước có sự đa dạng ngôn ngữ lớn nhất song cũng là nơi có số ngôn ngữ đứng trước nguy cơ biến mất cao nhất.

Trong khi đó, duy trì ngôn ngữ có tầm quan trọng sống còn bảo vệ di sản văn hóa và thúc đẩy sự đa dạng sáng tạo. Ngôn ngữ mất đi sẽ làm nghèo dần đi tính nhân văn, cũng như làm thụt lùi cuộc chiến bảo vệ quyền được nghe, được học và được thông tin của con người. UNESCO nhấn mạnh, ngôn ngữ chính là con người và bảo vệ ngôn ngữ cũng chính là bảo vệ con người.

UNESCO nhiều năm nay đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ sự đa dạng ngôn ngữ trên thế các ngôn ngữ trên thế giới, nhất là các ngôn ngữ có nguy cơ biến mất cao.  Tổ chức này cũng đã xây dựng một phiên bản điện tử tương tác của Tập bản đồ ngôn ngữ toàn cầu, trong đó tập hợp hơn 2.500 ngôn ngữ có nguy cơ biến mất theo 5 cấp độ: không còn an toàn, có nguy cơ rõ ràng, nguy cơ nghiêm trọng, nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng và tuyệt chủng.

Tiếp nối những nỗ lực này, UNESCO đã chọn chủ đề của Ngày Tiếng mẹ đẻ năm nay là “Tiếng mẹ đẻ và những cuốn sách” nhằm nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của ngôn ngữ và sách báo trong quá trình phát triển của con người. Tổng Giám đốc Bokova nhấn mạnh, ngôn ngữ cùng với sách báo truyền thống và sách báo điện tử đã và sẽ mãi mãi được coi là những phương tiện đầu tiên và không thể thiếu trong hoạt động phổ biến tự do, bày tỏ chính kiến và nâng cao học vấn đối với tất cả mọi người.