Lộ lọt số điện thoại khiến “cuộc gọi rác” vẫn quấy nhiễu người dùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Cuộc gọi rác, tin nhắn rác đã xuất hiện nhiều năm do tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, đặc biệt là số điện thoại nhưng đến nay vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.
Người dân vẫn bị quấy nhiễu bởi cuộc gọi rác

Người dân vẫn bị quấy nhiễu bởi cuộc gọi rác

Chị Nguyễn Hương (Hoàng Mai- Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên bị các cuộc gọi từ số lạ quấy nhiễu. Lúc thì mời chào tư vấn đầu tư chứng khoán, bất động sản; mời mua bảo hiểm; trung tâm tiếng Anh mời cho con học thử tiếng Anh… Không biết tại sao mà cuộc gọi từ những tổ chức rất lạ vẫn biết số điện thoại hay các con tôi đang học lớp mấy, trường nào”?

Chị Nguyễn Hương cũng kể ra hàng loạt số điện thoại gọi đến với mục đích này như: 02473045415; 0993808188; 0996451896…

Cuộc gọi rác quấy nhiễu người dùng vừa gây phiền phức, vừa làm tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến qua điện thoại. Nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng này, thậm chí có người đã đăng ký vào danh sách không nhận quảng cáo nhưng vẫn bị làm phiền.

Gửi kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về vấn đề này trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri đề nghị Bộ TT-TT có giải pháp tăng cường quản lý số điện thoại các nhân để tránh trường hợp bị đánh cắp thông tin.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ TT-TT cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó quy định việc xử lý dữ liệu cá nhân phải thông báo và phải được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (khoản 1 Điều 11).

Luật Viễn thông năm 2023 cũng đã quy định: Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, trong đó có số thuê bao viễn thông trừ trường hợp người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thời gian qua, Bộ TT-TT đã tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone…) triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống kỹ thuật tập trung cho phép các chủ thuê bao có thể thực hiện quyền đồng ý đối với các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; đã triển khai các hình thức thông báo xử lý dữ liệu cá nhân, lấy ý kiến đồng ý của khách hàng như: Xác nhận tại các app, tại website về chính sách chung bảo vệ dữ liệu cá nhân, gửi SMS theo cú pháp đến đầu số quy định, xác thực OTP qua SMS.

Tuy nhiên, Bộ TT-TT cho rằng, ngoài các biện pháp từ phía cơ quan nhà nước, về phía người dân cũng cần ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, bằng cách không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, qua đường link trên email/SMS; không download, sử dụng các phần mềm không rõ nguồn gốc có khả năng lấy cắp thông tin cá nhân…

Theo các chuyên gia, hiện nay, việc thu thập thông tin cá nhân được tiến hành khá phổ biến, đặc biệt như các siêu thị, các điểm bán lẻ, website thương mại điện tử… Về mặt tích cực, các đơn vị này mong muốn thu thập thông tin nhằm có chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp hơn.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp có cá nhân lợi dụng thông tin này để bán cho các đối tượng xấu. Do đó, để bảo vệ thông tin cá nhân, người dân trước hết cần thận trọng khi cung cấp thông tin cá nhân cho người khác. Bên cạnh đó, nếu cung cấp thông tin, cần có cam kết của bên nhận về việc bảo vệ thông tin cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.