"Lọ Lem trẩy hội" tại nhà sách Snoek

ANTD.VN - Chúng tôi dậy sớm để ra ga tàu. Tối nay tôi sẽ có sự kiện ra mắt cuốn “Cocktail” tại nhà sách Snoek ở Rotterdam (Hà Lan). Ngồi tàu từ Heerlen đến thành phố cảng lớn thứ nhì thế giới cũng chỉ mất 2 tiếng. 

Snoek là một trong những nhà sách nổi tiếng nhất ở Rotterdam, nằm ở địa chỉ 126 đường Meent 

Món ăn vặt đặc biệt: Cá trích sống kẹp bánh mì nguội

Ở Rotterdam có một đồ ăn vặt rất đặc biệt bán ngoài chợ Trung tâm Market Hall, gọi là Broodje Haring. Đấy là cá trích sống được người bán lạng hết ruột, bỏ đầu rồi kẹp vào bánh mì nguội, rắc hành tây sống và nước sốt chanh lên trên, giá 2 Euro. Tôi chẳng thấy món gì ngon hơn thế, liền chén liền một lúc hai con cá trích.

Người nào không thích kẹp bánh mì thì chỉ cần cầm đuôi con cá rồi ngửa cổ thả vào miệng nhai. Biển quảng cáo cũng có hình cậu bé đang há miệng, ngửa cổ, tay cầm đuôi cá. Cá không kẹp gọi là Losse Haring. Người nào không ăn được món này thì thoạt nhìn đã muốn tránh xa. 

Cá trích phải ăn sống mới ngon và chúng có ở khắp mọi nơi 

Tôi còn nhớ 15 năm trước đã ăn món tương tự như Broodje Haring ở khách sạn Frankfurt, Đức. Lúc ấy đói quá nên đành chọn đại một món rẻ nhất trong thực đơn dù chẳng biết nó là thứ gì. Nhưng cá trích Rotterdam ngon hơn nhiều. Người bán cũng nhàn, chẳng phải chế biến chi hết ngoài việc nhặt cá trong thùng đông lạnh đưa lên thớt moi ruột.

Ăn Broodje Haring muốn ngon miệng thì đừng nên nhìn cái thớt luôn loằng ngoằng đống lòng cá. Người Nga cũng thích ăn cá trích sống nhưng là cá đã ngâm dầu. Họ muối cá bằng dầu ăn, khi thưởng thức sẽ đặt ra đĩa để ăn kèm với hành tây, sốt cam hoặc chanh. Nhìn chung cư dân châu Âu đều mê ăn cá trích nên nhiều quốc gia còn có cả lễ hội cá trích. Cư dân đảo Phú Quốc cũng có món gỏi cá trích độc đáo với thứ nước chấm độc nhất vô nhị, mà nếu tôi có quay lại đảo thêm vài lần nữa thì cũng chỉ là vì món gỏi cá này.

Ở chợ trời trung tâm Rotterdam còn phổ biến món pho mát cân. Pho mát là đặc sản của xứ sở hoa tulip nên người ta có thể ăn nó hàng ngày. Ngoài chợ, những tảng pho mát các loại to bằng cái chậu, tùy theo khẩu vị và nhu cầu mà khách hàng sẽ chọn cắt từng miếng mua về. Chúng tôi ăn trưa tạm ngoài chợ, tôi thì đã xong bữa bằng hai chú cá trích. Nếu như Heerlen, thành phố Đông Nam Hà Lan tĩnh lặng và nên thơ thì Rotterdam sầm uất và hiện đại. Gần như toàn bộ những phần quan trọng đã bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ hai nên thành phố Tây Nam này chẳng còn gì cổ kính. Thứ mà người ta chiêm ngưỡng phần nhiều lại là những kiến trúc độc đáo và kỳ lạ của các kiến trúc sư đương thời. 

"Lọ Lem trẩy hội" tại nhà sách Snoek ảnh 2Nữ nhà văn Di Li tham gia ký tặng sách ở nhà sách Snoek (Hà Lan)

Những kiến trúc độc đáo và kỳ lạ

Một trong số rất ít công trình cũ còn sót lại là Tòa thị chính Rotterdam nằm trên đường Coolsingel (1914) đã may mắn sống sót qua những trận bom kinh hoàng, giờ thành chỗ quay phim chụp ảnh cho cô dâu chú rể, giống y chức năng phụ của Nhà hát Lớn Hà Nội. Cũng có thể không còn gì lãng mạn và cổ kính ở thành phố này nên nhiều người sẽ thấy nó nhàm chán và tẻ nhạt.

Thơ mộng ấy phải là cây cối, hoa trái, sông ngòi và những cổ xưa. Ở Rotterdam, thậm chí sông ngòi, kênh rạch cũng tẻ nữa, với hai bờ kè bê tông xám xịt. Cũng không thấy đâu các quán cà phê xinh xắn với những giò hoa nhiều màu trước cửa. Bù lại thì sự đông đúc và hiện đại của thành phố cảng cũng khiến người lãng du vui mắt được một chập.

Chúng tôi đi dạo một vòng quanh trung tâm Rotterdam, mà chủ yếu là đi chợ, sau đó phải vội vã quay về nhà sách Snoek để chuẩn bị cho sự kiện buổi tối. Tuy nhiên, tôi không quen lắm với những sự kiện sách vắng vẻ như vậy. Trái lại tất cả các văn sĩ nước ngoài đến Việt Nam mà thấy cuộc ra mắt sách lên tới vài trăm người thì sợ chết khiếp. Phần nhiều họ làm trong khuôn khổ 10 đến 30 người là cùng, nhưng đó là những độc giả say mê sách thực sự và khao khát được đàm thoại với tác giả. 

"Lọ Lem trẩy hội" tại nhà sách Snoek ảnh 3Rotterdam (Hà Lan) là thành phố cảng lớn thứ nhì thế giới

Ra mắt sách ở nhà sách Snoek

Cách tổ chức sự kiện ở châu Âu có lẽ cũng giống cách gói hoa của họ. Người châu Á thích độn thật nhiều giấy cho bó hoa long lanh hoành tráng, dù chân hoa toàn cắm que tre, còn hoa ở phương Tây rực rỡ là nhờ hoa, bởi phủ bên ngoài chỉ một lớp bóng kính trong vắt. Chúng tôi tập kết vali ở tầng hầm của nhà sách, cũng là cái kho đựng sách luôn, đằng nào thì tối muộn cũng phải ra bến xe để di chuyển đến Berlin. Nhà sách Snoek cũng chỉ vài chục mét vuông, nhưng nằm mặt phố chính (126 đường Meent) và là một trong những nhà sách nổi tiếng nhất ở Rotterdam. Người bản địa nói rằng chỉ những nhà văn tên tuổi ở Hà Lan mới được phép ra mắt ở đấy. 

Tôi bắt đầu lục vali để thay quần áo trong cái hầm kho đầy sách và mùi sách. Tôi phát hiện ra mình thiếu giày, thiếu thắt lưng phù hợp, thêm việc mất tiêu chiếc lược ở đâu đó trong đống đồ đạc khổng lồ và thường thì trong lúc cực vội, sẽ càng không thể tìm thấy bất cứ thứ gì. Hai người bạn đồng hành tìm giúp tôi mọi thứ nhưng vô ích. Không có lược, tôi đành lấy đại chiếc mũ nồi màu hồng mua ở Helksinki hơn chục năm trước để đội lên đầu.

"Lọ Lem trẩy hội" tại nhà sách Snoek ảnh 4Nhà văn Di Li 

Thực giống Lọ Lem trẩy hội. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã chủ quan xiết bao trước hai sự kiện ở nước ngoài, cũng bởi chuyến đi đã quá vội vàng. Tôi cũng không nghĩ rằng sẽ có ngần ấy khách và rất nhiều người quan trọng đến thế dự cuộc ra mắt sách của mình. Và rồi thì nhân vật chính xuất hiện, với một đôi giày đi mượn. Sân khấu là cái... cầu thang dẫn lên tầng hai. Khán giả đứng rải rác bên dưới, quãng hơn năm chục người. Ông mục sư nhận xét về cuốn sách.

Giáo sư văn học lên phát biểu. Nhưng tôi không hiểu gì cả. Tất cả đều bằng tiếng Hà Lan. Anh thổi sáo dịch lại cho tôi nghe. Giống hệt sự kiện trước, tôi sẽ đọc một đoạn bằng tiếng Anh. Sự kiện kéo dài hai tiếng nhưng không có bất kỳ ai rời khỏi khán phòng cho đến giờ phút cuối cùng. Cuốn sách được bán với giá 10 Euro và cuối buổi, tôi ký mỏi tay. 

Kết thúc buổi lễ lúc 7 giờ tối, chúng tôi lập tức lại phải khoác những xống áo to sụ chống rét và kéo vali ra bến tàu điện ngầm để trở về điểm đậu xe buýt. Tám rưỡi xe bắt đầu khởi hành. Những người đi tiễn đứng cùng chúng tôi dưới trời đông giá. Tạm biệt Hà Lan. Chúng tôi sẽ ngủ đêm trên xe. Sớm mai tỉnh giấc là đã đến Berlin rồi!