Lo lắng “tảng băng” tham nhũng

ANTĐ - Ngày 7-11, Quốc hội đã dành trọn ngày thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Vụ việc tại Vinalines là một trong những vụ án tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới

Xử lý hành chính không nghiêm

Nhiều ý kiến ĐBQH ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tích cực điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng pháp luật. ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) nói: “Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được ổn định và đảm bảo là yếu tố quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển.” Điểm lại những con số ấn tượng về số vụ án được khám phá, truy tố, xét xử hay số tin báo tố giác tội phạm được thụ lý và giải quyết, các ĐBQH đánh giá, những kết quả đã có được là rất cơ bản, đạt được các chỉ tiêu và yêu cầu của Quốc hội đề ra.

Phân tích làm rõ thêm tình hình, các ĐBQH đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cũng như giải pháp cho công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật. ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc xử lý hành chính còn nương nhẹ, không nghiêm. Nhiều vụ vi phạm liên tục, kéo dài nhưng chỉ xử phạt hành chính bằng tiền mà không áp dụng chế tài nặng hơn như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Bà nêu ví dụ: “Công ty Hào Dương (TP Hồ Chí Minh) xả thải ra môi trường, vi phạm từ năm 2007 đến nay, bị xử phạt hành chính 9 lần, cao nhất là 340 triệu đồng, nhưng vẫn không bị đình chỉ và nay công ty này ngang nhiên tái phạm”. ĐB Lê Thị Nga nêu câu hỏi: “Sao không bảo vệ hàng triệu dân sống phụ thuộc vào các lưu vực sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phải quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự, không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý Nhà nước”.

Tham nhũng chưa “bị sát thương”

Về công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ví von: “Chúng ta đã bài binh bố trận một cách rầm rộ, “tung” ra lực lượng hùng hậu, hỏa lực dữ dội... nhưng cuối cùng sát thương giặc tham nhũng chẳng được bao nhiêu”. Cho rằng khâu triển khai thực hiện phòng chống tham nhũng đang có vấn đề, ĐB Lê Như Tiến nói: “Tình trạng “nợ xấu lòng tin” và “tồn đọng trách nhiệm” đang ở mức báo động”. Ông cũng cảnh báo “một thực trạng đáng lo ngại”, đó là việc người dân đang thờ ơ, thiếu lửa với công tác phòng chống tham nhũng: “Họ tố cáo tham nhũng nhưng không được giải quyết, phản hồi. Thậm chí họ còn bị những kẻ tham nhũng không từ một thủ đoạn nào để trả thù, dằn mặt. Đáng lo hơn, đã xuất hiện tình trạng lãnh đạo địa phương căn dặn các ĐBQH trước mỗi kỳ họp, “muốn phát biểu về bất cứ vấn đề gì cũng được, trừ tham nhũng ra, bởi chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng...”. ĐB Lê Như Tiến cũng chỉ ra việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức hiện nay rất hình thức. Kê khai rồi xếp vào ngăn kéo. Ông kiến nghị Quốc hội xem xét tới việc thành lập Cục Điều tra tội phạm tham nhũng thuộc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, với cơ chế đặc biệt, được trao “thượng phương bảo kiếm”, có quyền điều tra độc lập.

Nhiều câu hỏi nhức nhối

Tỏ ra vô cùng lo lắng, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh, “có người nói vụ Dương Chí Dũng - Vinalines không phải là cá biệt. Phần xã hội biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Dẫn ra hàng loạt vụ việc nhức nhối thời gian qua như 1m2 nhà vệ sinh được nâng giá lên 7 lần, một đống sắt vụn (ụ nổi) được nâng giá 4 lần và hiện nay trị giá 525 tỷ đồng..., ĐB Nguyễn Văn Hiến chua xót: “hơn nửa triệu người dân tỉnh Điện Biên, cả năm chỉ làm ra 522 tỷ đồng, chưa đủ trả tiền cho đống sắt vụn đó”. ĐB Nguyễn Văn Hiến đề nghị, năm 2014, cần thanh tra, kiểm toán tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và báo cáo kết quả cho Quốc hội. Ông đưa ra hàng loạt câu hỏi: “Đến bao giờ bữa cơm của các cháu học sinh ở Tây Bắc có thịt? Bao giờ những cô giáo ở miền Tây Thanh Hóa không phải mời khách bằng những con nòng nọc? Nếu chúng ta kiên quyết chống tham nhũng và chống tham nhũng hiệu quả, sẽ có câu trả lời cho những câu hỏi đó”.