“Lỗ hổng” khó vá

ANTĐ - Có một sự trùng lặp ngẫu nhiên, Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam đang họp tại Quảng Trị, đã đưa ra một khuyến nghị về tăng trưởng bền vững và thách thức giảm nghèo ở Việt Nam. Trên diễn đàn Quốc hội, tuần làm việc thứ 3 cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề búc xúc nhất về an sinh xã hội đối với người dân cũng như toàn xã hội.

Theo cảm nhận của nhiều đại biểu Quốc hội, không khí nghị trường chắc chắn sẽ “nóng” lên khi thảo luận các vấn đề xã hội. Một loạt vấn đề nổi cộm trong xã hội như thu phí bảo trì đường bộ và các loại phí giao thông; tăng giá điện, xăng dầu… sẽ được đem ra “mổ xẻ” đánh giá. Song, an sinh xã hội vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước. Đánh giá về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số “lỗ hổng” lớn, khiến cho đối tượng người nghèo, nhất là nhóm yếu thế khó tiếp cận các chính sách này.

Thời kỳ 2003-2011 tổng chi cho an sinh xã hội liên tục tăng, bình quân đạt 95.000 tỷ đồng/năm, bằng 6,6% GDP. Dù vậy, hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế như công tác tạo việc làm chưa bền vững, tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng nhanh, nhất là thanh niên tuổi từ 16-24 lên tới 6,8%, chiếm 58% tổng số lao động thất nghiệp. Đáng lo ngại là diện được hưởng trợ giúp xã hội còn hẹp, mức chuẩn trợ cấp thấp. Hiện còn hơn 900.000 hộ nghèo đang ở nhà tạm.

Theo báo cáo về thách thức giảm nghèo nông thôn công bố tại Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ, có 55% số hộ được điều tra cho rằng đời sống của họ tốt hơn trong 5 năm qua, gần 2/5 số người không thấy hoặc không chắc cuộc sống có thay đổi và 9% cho rằng cuộc sống kém đi. Nếu như năm 2007 có 23% hộ gia đình thiếu lương thực, thì năm 2011 tỷ lệ này giảm gần 1/3, nhưng số tháng thiếu lương thực thường xuyên lại tăng thêm 6 tuần/năm.

Đặc biệt, một bộ phận người dân thuộc diện “nghèo lõi”, tức là nghèo kinh niên do ốm đau, bệnh tật, thiếu đất sản xuất, đất xấu hoặc thường xuyên bị thiên tai. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ, nhưng vẫn còn tới 16% số người thiếu lương thực gần 5 tháng/năm. Tỷ lệ trẻ em từ 6-15 tuổi không được tới trường còn khá cao ở miền núi: Trong số trẻ dưới 5 tuổi thì cứ 4 em có 1 em suy dinh dưỡng, 42% hộ gia đình chưa được dùng nước sạch, không có nhà vệ sinh… Lời khuyến cáo được đưa ra là những người sống ở mức cận nghèo dễ bị tái nghèo chính là rủi ro, thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, nhất là trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. 

Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá, “lỗ hổng” lớn nhất trong chính sách an sinh xã hội là không có một khuôn khổ chung trong thực hiện dễ dẫn đến chồng chéo, nhiều bộ, ngành quản lý, khiến chính sách bị phân mảnh, rời rạc. Đây là “lỗ hổng” rất khó vá víu.